07/09/2020 06:02
Năm 2020, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước toàn quốc là 630.239,9 tỷ đồng, gồm: Kế hoạch vốn các năm trước chuyển sang là 97.017,2 tỷ đồng, kế hoạch vốn nguồn nhà nước năm 2020 là 533.222 tỷ đồng và kế hoạch vốn địa phương giao bổ sung 55.329,6 tỷ đồng. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7, tổng số vốn đã giải ngân được là 193.040 tỷ đồng, đạt 40,98% kế hoạch Thủ tướng giao và ước đến 31/8 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch đề ra. Có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đạt trên 60%; 29 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá là có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm trước. Để đạt được điều đó, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt, liên tục; cùng với sự quyết tâm, cố gắng của các bộ ngành và chính quyền các địa phương.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ liên tục ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện kế hoạch và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều hội nghị, cuộc họp được tổ chức nhằm đánh giá chính xác tiến độ thực hiện, tìm ra những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân. Từ đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đưa ra phương án, giải pháp “khơi thông” những ách tắc, các rào cản để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, Chính phủ đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra thực tế, làm việc với các bộ, ngành, địa phương, đôn đốc, xử lý các vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
|
Mới đây nhất, tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương nhằm đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 (ngày 21/8/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trọng tâm của các cấp, ngành, địa phương trong năm 2020. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai các biện pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tạo mọi điều kiện về thủ tục thực hiện giải ngân…
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn thì việc giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa vô cùng quan trọng thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nhiều loại vật tư, nguyên liệu, qua đó tạo việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Xác định rõ tầm quan trọng của việc giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nên từ đầu năm đến nay, các cấp, ngành, đơn vị của tỉnh ta đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.
Năm 2020, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước được Trung ương giao cho tỉnh Kon Tum là 2.107.463 triệu đồng, trong đó, vốn trong nước 1.602.263 triệu đồng và vốn nước ngoài 505.200 triệu đồng. Trên cơ sở mức vốn được Trung ương giao và tình hình huy động vốn của địa phương, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phân bổ và thông báo cho các địa phương, đơn vị chủ đầu tư để thực hiện.
Với quyết tâm phấn đấu giải ngân cao nhất kế hoạch vốn năm 2020 được giao, đặc biệt là các nguồn vốn ngân sách trung ương, thời gian qua, nhiều giải pháp đã UBND tỉnh, các ngành, các địa phương chỉ đạo triển khai quyết liệt gắn liền vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Các cấp, các ngành thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém về năng lực, triển khai dự án không đảm bảo theo yêu cầu về chất lượng và thời gian theo hợp đồng đã ký kết.
Trong quá trình thực hiện, những nguyên nhân, hạn chế dẫn đến việc chậm giải ngân vốn đầu tư đã được UBND tỉnh, các ngành, địa phương thẳng thắn nhìn nhận nguyên nhân khách quan và chủ quan như: Khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; chủ đầu tư chậm hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng; trình độ năng lực, kinh nghiệm của một số nhà thầu thi công và chủ đầu tư còn hạn chế; một số chủ đầu tư còn chậm trong khâu hoàn thiện hồ sơ thanh toán; một số thủ tục phát sinh thêm, gây ảnh hưởng tiến độ giải ngân...Trên cơ sở đó, UBND tỉnh, các ngành, địa phương tiếp tục đưa ra những biện pháp phù hợp, hành động cụ thể để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công và đôn đốc, thúc đẩy công tác giải ngân nguồn vốn đầu tư đảm bảo tiến độ quy định.
Song song với đó, tỉnh cũng chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, cần nguồn vốn bổ sung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng; đồng thời, chỉ đạo rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục giải ngân vốn...
Tính đến ngày 20/8/2020, tỉnh ta đã giải ngân trên 1.340,7 tỷ đồng, đạt 35,2% so với kế hoạch vốn địa phương giao. Mặc dù tỷ lệ giải ngân 8 tháng trên địa bàn tỉnh chưa cao, nhưng theo đánh giá của UBND tỉnh có một số chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt tỷ lệ cao như: Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng đạt 90,1%; chương trình mục tiêu đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 100%...
Thời gian này, cùng với cả nước, Kon Tum đang chạy nước rút để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Đây là nhiệm vụ nặng nề, nhưng hy vọng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra, qua đó, tạo nguồn lực, động lực thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm bớt những tác động bất lợi do dịch bệnh gây ra.
Thùy Hương