07/08/2017 18:02
Băn khoăn này không phải là không có lý. Vì, sau nhiều lần Bộ Giáo dục và Đào tạo thay sách giáo khoa nhưng quá tải vẫn hoàn quá tải. Áp lực vẫn đè nặng lên những chiếc cặp sách học sinh; áp lực nặng nề từ khối lượng kiến thức khiến cho học sinh từ tiểu học cho đến THPT chưa kịp xong lớp học chính khóa đã vội vàng lên xe ba mẹ chờ sẵn, vừa đi vừa ăn cho kịp tới lớp học thêm…
Vì, cho dù từ năm học 2011-2012, theo chủ trương của Bộ, tất cả các trường từ tiểu học đến THPT đã triển khai giảm tải chương trình (cắt giảm một số bài trong chương trình) nhưng dường như còn vụn vặt, thiếu tính hệ thống, chẳng thay đổi là bao…
Vì, không chỉ các bậc phụ huynh mà cả các nhà giáo dục, nhà khoa học, giáo viên đều than phiền về chương trình giáo dục mang nặng tính hàn lâm khiến cho trẻ quay cuồng nhồi nhét học. Trong khi đó, mỗi đứa trẻ đều có quỹ thời gian 24 giờ/ngày, hết học ở trường, học thêm đến tự học nên ít có thời gian đọc sách, xem các chương trình truyền hình phù hợp lứa tuổi, tập luyện thể dục, các môn thể thao yêu thích...
Nói cách khác, áp lực học hành nên các em dành nhiều thời gian để được “dạy chữ” mà xem nhẹ yếu tố “dạy người”. Những tiếng thở dài nhè nhẹ của không ít phụ huynh khi dường như ngày càng nhiều hơn những học sinh trở thành “gà công nghiệp” trước nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhiều em lệch lạc trong văn hóa giao tiếp, trong nhận thức, ứng xử…
Chính vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có thời lượng học ở cả ba bậc học đều giảm đã khiến cho nhiều người kỳ vọng. Kỳ vọng vì từ Chương trình đã được công bố này là căn cứ để xây dựng dự thảo các môn học và hoạt động giáo dục sẽ bước ra khỏi quán tính cũ, giảm bớt tính hàn lâm, giảm bớt áp lực, bồi dưỡng cho các em những kỹ năng mềm, kỹ năng sống…
Chỉ sợ, giảm tải môn này lại nhồi nhét môn kia; chỉ sợ giảm một cách cơ học, còn thực chất vẫn là “bình mới rượu cũ”. Chỉ sợ thời gian dành cho các tiết học quá nhiều – đặc biệt ở các lớp nhỏ mà hạn chế các hoạt động giao tiếp, ứng xử, hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất. Chỉ sợ có những thay đổi từ chương trình như vậy nhưng lại thiếu sự đồng bộ trong cách đánh giá, thi cử, nhận xét và cả bệnh thành tích nên sức ép học tập vẫn đè nặng lên mỗi học sinh.
Và, quan trọng hơn cả là các bậc phụ huynh đã có sự nhận thức đúng đắn hay chưa vì cho dù Chương trình có đạt được mục tiêu giảm tải nhưng tự bản thân học sinh và phụ huynh lại “tăng tải” cho chính mình để có thể cạnh tranh vào các trường chuyên, lớp chọn, trường điểm, vào các trường hot, ngành hot. Và khi phụ huynh vẫn “tăng tải”, gây sức ép cho con em mình theo quan điểm “trăm hay không bằng tay quen” – dù có hay, có giỏi đến mấy cũng không thể bằng đã quen, đã thuộc dạng bài văn, bài toán – tức là “thợ học”, được luyện, được học thêm nhiều thì vẫn còn đó những học sinh quay cuồng trong lịch học dày đặc…
Để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” không chỉ là khẩu hiệu, để các em không phải gồng mình trong những cuộc thi, những kiến thức hàn lâm, rồi phải chịu cảnh vội vàng ăn dăm ba miếng ở hàng quán sau giờ học chính khóa cho kịp giờ tới lớp học thêm… thì dư luận còn tiếp tục kỳ vọng nhiều vào chương trình từng môn học và hoạt động giáo dục sẽ được công bố trong thời gian tới đây.
Nguyên Phúc