14/08/2017 08:22
1. Trong ký ức của những người “khai sơn phá thạch”, vào năm 1991, Kon Tum được nhắc đến trong bộn bề gian khó. Ngay thủ phủ thị xã Kon Tum cũng chỉ là vài ba nét phác thảo đầu tiên của một bức tranh phố thị chưa rõ hình hài. Chỉ vài ba con đường chính được trải nhựa, còn lại là đường đất đá cấp phối, đường đất.
Không chỉ thế, Kon Tum gần như một “ốc đảo”, nối với bên ngoài bằng con đường độc đạo là đoạn Quốc lộ 14 từ Gia Lai lên; 90% đường giao thông nội tỉnh là đường đất, nhiều xã chưa có đường vào trung tâm. Vì vậy, mỗi bận đi huyện, đi xã khi đó là mỗi lần ám ảnh, dày thêm gian khó khi phải mất cả tuần lặn lội trên những con đường nắng bụi, mưa lầy…
Quán xá ngày ấy cũng ít, hàng hóa làm ra khó mà trao đổi được. Còn với cán bộ công chức là những chuỗi ngày tá túc trong nhà dân và trụ sở cơ quan… Có những người từ Gia Lai - Kon Tum cũ lên, có những người từ những vùng đất khác đến… đã rời đi, tức là chấp nhận bỏ việc chỉ sau một vài tháng ở Kon Tum trong những ngày đầu gian khó…
Khó, khổ là vậy nên không ít người đã ví von Kon Tum khi ấy như đang mặc một chiếc áo quá cũ kỹ, chật chội...
2. Nhưng, khó – khổ ấy không làm sờn lòng của người đã ở lẫn người đã đến – đã xem – đã gắn bó với Kon Tum. Với sự định hướng đúng đắn của tỉnh, với sự huy động trí tuệ và nguồn lực từ nhiều phía cũng như sự chung tay góp sức của toàn dân, trải qua chặng đường 26 năm, Kon Tum dần bước ra gian khó, có những đổi thay vượt bậc.
Sự thay đổi ấy thể hiện rõ trên từng tuyến đường góc phố, những ngôi nhà cao tầng mới mọc lên; từ những thôn, làng nông thôn mới trù phú, ấm no giữa những ngút ngàn cao su, cà phê; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đều tăng cao, năm sau cao hơn năm trước; đời sống của người dân ngày càng được nâng cao… Còn người Kon Tum xa quê hay từng gắn bó nơi đây rồi chuyển công tác đi nơi khác, mỗi khi trở về trong những năm gần đây đều trầm trồ, ồ, à lên vì những cơ ngơi, những điều mới mẻ từ vùng đất vốn lắm khó, khổ này.
Kon Tum dần được nhiều người biết đến như một vùng đất hứa. “Đất lành chim đậu”, Kon Tum trở thành nơi quần cư của người dân từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Từ những người dân tộc thiểu số tại chỗ, những gia đình với nhiều thế hệ đến Kon Tum lập nghiệp cả trăm năm cho đến những người đến trong những ngày đầu còn gian khó ấy đều chung một quyết tâm, cùng với Đảng bộ, chính quyền để góp sức biến những dự định, những ước mong thành hiện thực.
|
Những con số thống kê trong 6 tháng đầu năm nay: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 4.704,5 tỷ đồng, tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước; thu ngân sách Nhà nước ước khoảng 1.035 tỷ đồng, đạt 56% dự toán địa phương giao và bằng 121,1% cùng kỳ năm trước; 211 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn hơn 26 nghìn tỷ đồng; số hộ nghèo giảm còn 28.990 hộ, chiếm tỷ lệ 23,03% và hộ cận nghèo giảm còn 8.359 hộ, chiếm tỷ lệ 6,64%; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, góp phần ổn định đời sống của nhân dân... đã cho thấy những đổi thay diệu kỳ sau 26 năm Kon Tum thành lập lại tỉnh.
3. Trong hành trình 26 năm xây dựng và phát triển, Kon Tum luôn mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm. Khi đã chọn được hướng đi, Đảng bộ, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng nhiều giải pháp. Đối với địa phương có điểm xuất phát thấp như Kon Tum, trong định hướng chiến lược phát triển ở từng giai đoạn, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng có tính bước ngoặt.
Trước hết, phải kể đến Nghị quyết 01 (khóa XI) và nay là Nghị quyết 04 (khóa XIII) của Tỉnh ủy. Sau ngày thành lập lại tỉnh, với đặc thù hơn 54% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống bà con còn nhiều khó khăn nên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 10-CT/TU về xây dựng các xã vùng cao, biên giới, sau đó nâng lên thành Nghị quyết 01-NQ/TU về “Tiếp tục xây dựng các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế mới khó khăn” và đến năm 2007, Tỉnh ủy bổ sung ban hành Nghị quyết số 04 Tỉnh ủy (khóa XIII) về “Đẩy mạnh xây dựng các xã đặc biệt khó khăn”.
Qua các giai đoạn triển khai, bổ sung và phát triển cho phù hợp với thực tế, từ Nghị quyết “ý Đảng lòng dân này”, người dân ở các xã vùng khó được các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh, cấp huyện sâu sát, động viên, hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ đời sống, nhận thức bà con vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết mang tính bước ngoặt nữa có thể kể đến là Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy khóa XIII về “Đầu tư xây dựng và phát triển các vùng kinh tế động lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2007-2010, có tính đến năm 2020”. Qua 10 năm triển khai thực hiện, 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh là các huyện Ngọc Hồi, Kon Plông và thành phố Kon Tum đã trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và có tác động lan tỏa nhất định đối với các địa phương khác trong tỉnh.
Và gần đây nhất là Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy khóa XV về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết đã cho thấy quyết tâm, nỗ lực của tỉnh nhằm bước qua lối sản xuất thuần nông, thủ công, nhỏ lẻ, dần tái cơ cấu nông nghiệp phát triển theo hướng cơ giới hóa, chất lượng cao, kiểm soát từ đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm. Từ đây, với nhiều giải pháp được triển khai sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy các doanh nghiệp, người nông dân trên địa bàn tỉnh hướng đến một nền nông nghiệp công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển theo chiều sâu…
Dễ dàng nhận thấy rằng, những chủ trương, nghị quyết, định hướng đúng đắn, mang tính bước ngoặt và thực hiện thành công ấy đã bắt nguồn chính từ sự đoàn kết nhất trí, đồng lòng vượt qua gian khó của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong chặng đường 26 năm qua. Và, đây chính là cội nguồn sức mạnh để đưa Kon Tum vươn tới những tầm cao mới trong chặng đường tiếp theo.
Nguyên Phúc