Đảm bảo ATTP: Bắt đầu từ lương tâm và trách nhiệm

07/05/2020 06:07

An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề được cả xã hội quan tâm; các cấp, các ngành luôn cố gắng trong quản lý, kiểm soát thực phẩm, người dân cũng cố gắng trở thành người tiêu dùng “thông thái”. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ, nguy cơ mất vệ sinh ATTP vẫn luôn hiện hữu nếu lương tâm, ý thức tuân thủ quy định trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở, cá nhân chưa được nâng cao.

Đảm bảo ATTP là vấn đề vô cùng quan trọng, bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng con người. Công tác đảm bảo vệ sinh ATTP là hoạt động thường xuyên, liên tục suốt tháng, suốt năm nhưng điểm nhấn là Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Năm nay, cùng với cả nước, Tháng hành động vì ATTP được tỉnh ta triển khai từ ngày 15/4-15/5/2020 với chủ đề “Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm” với mục tiêu đặt ra là tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các cơ sở, cá nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; đồng thời, nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng trong công tác bảo đảm ATTP.

Công tác quản lý vệ sinh ATTP trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Những hoạt động tuyên truyền; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP được thực hiện thường xuyên liên tục từ tỉnh đến cơ sở. Nhận thức, thực hành về ATTP của các nhóm đối tượng ngày càng có sự thay đổi tích cực; người sản xuất, kinh doanh nâng cao hơn ý thức trong lựa chọn và sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng. Nhờ đó, tình trạng ngộ độc thực phẩm đã được cải thiện rõ rệt.

Các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm tại điểm cầu tỉnh Kon Tum ngày 11/1/2020. Ảnh: TH

 

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh, năm 2019, trên địa bàn tỉnh không xảy ra ngộ độc thực phẩm quy mô lớn, toàn tỉnh chỉ có 164 ca ngộ độc nhỏ lẻ do ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Đây là tín hiệu đáng mừng, song khách quan nhìn nhận, vấn đề đảm bảo ATTP trên thực tế vẫn tồn tại những bất cập và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đó là, tình trạng sử dụng chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh “thực phẩm bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn ra ở nhiều nơi; điều kiện chăn nuôi, hạ tầng chợ, cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhất là cơ sở nhỏ lẻ còn yếu kém và chưa được kiểm soát chặt chẽ về mức độ an toàn...Người tiêu dùng luôn gặp khó trong việc đi tìm nguồn thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, nhiều người dân cũng cố gắng bằng cách này cách khác, tìm kiếm những nguồn thực phẩm tạm gọi là an toàn như tự trồng lấy luống rau, nuôi con gà hay tìm mua những loại thực phẩm nhà làm của người thân, bạn bè. Thế nhưng, chừng đó là chưa đủ cho nhu cầu ăn uống của các gia đình.

Những nỗ lực của người dân hay các biện pháp quản lý hành chính nhà nước của ngành chức năng cũng chỉ có thể góp phần hạn chế, ngăn chặn phần nào các loại “thực phẩm bẩn” tràn lan trên thị trường chứ chưa thể giải quyết được căn cơ vấn đề này. Ngay cả khi các ngành chức năng phát hiện ra, xử lý những vụ vi phạm về ATTP thì trước đó đã có không ít “thực phẩm bẩn” đã được người dân tiêu thụ, sử dụng. Sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng vẫn luôn bị đe doạ.

Để vấn đề ATTP không còn là nỗi lo lắng thường trực của người tiêu dùng, điều quan trọng nhất vẫn phải là lương tâm, trách nhiệm, là sự tự giác, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATTP của các cơ sở và những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tháng hành động vì ATTP này chính là điểm nhấn trong năm tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm.

Trong đợt này, rất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề ATTP được các cấp, các ngành kêu gọi, vận động người sản xuất, kinh doanh thực hiện như: Không sử dụng nguyên liệu không được phép để chế biến thực phẩm; không bày bán nguyên liệu, thực phẩm đã quá thời hạn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng các loại thực phẩm độc hại, thực hiện tốt các quy định của nhà nước, góp phần giảm thiểu số vụ ngộ độc thực phẩm…Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…để siết chặt kỷ cương trong sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm, đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

Đặc biệt, Tháng hành động vì ATTP còn là dịp để tất cả các cấp, các ngành nhìn nhận lại và nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho công tác đảm bảo ATTP. Chính quyền, các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội tăng cường phối hợp; phát huy trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.

Đảm bảo ATTP là hoạt động xuyên suốt, cần sự vào cuộc của cả các cấp, các ngành và nhất thiết phải bắt đầu từ ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Chỉ khi nào, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo đảm vệ sinh ATTP, coi việc làm này là lương tâm, trách nhiệm xã hội, văn hóa kinh doanh thì vấn đề ATTP mới không còn là nỗi ám ảnh của người tiêu dùng.

Thùy Hương

Chuyên mục khác