“Đã uống rượu, bia - không lái xe”

14/05/2019 06:00

Tai nạn do điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia luôn là hiểm họa được báo trước. Thế nhưng, tình trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng. Do đó, dư luận xã hội cho rằng, đã đến lúc cần tăng chế tài xử phạt đối với tài xế uống rượu, bia gây tai nạn giao thông để những người cầm lái có trách nhiệm hơn khi tham gia giao thông.

Đó là những ý kiến tỏ rõ sự bức xúc, thậm chí là phẫn nộ, gay gắt của xã hội, khi mà trong thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe sử dụng rượu, bia. Và, hậu quả để lại của những vụ tai nạn như vậy thật là kinh hoàng, bao sinh mạng vô tội chỉ vì sự thiếu ý thức của những người cầm lái trong tình trạng đã uống rượu bia mà phải từ giã cõi đời này, bỏ lại người thân và những nguyện ước tốt đẹp dở dang chưa thực hiện được.

Chẳng hạn như ngày 1/5, một tài xế mặc dù đã có 13 năm kinh nghiệm cầm lái nhưng vẫn gây ra vụ tai nạn khiến 2 phụ nữ tử vong trong hầm Kim Liên (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại cơ quan điều tra, lái xe này khai nhận trước đó đã uống 6 chai bia và rượu trong một cuộc vui với bạn bè và không thể nói khác - đây chính là nguyên nhân của vụ tai nạn.

Cách đó ít hôm, vào đêm 22/4, cũng tại Hà Nội,  một lái xe sau khi uống bia, rượu say đã lái xe ô tô đâm vào một nữ công nhân môi trường đô thị đang quét dọn trên đường, sau đó tiếp tục đâm vào nhiều phương tiện khác. Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của nữ công nhân môi trường đô thị và làm một người bị thương, nhiều phương tiện hư hỏng.

Ngay tại tỉnh ta, hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ tai nạn giao thông xảy ra vào tháng 12/2015. Một cán bộ huyện đã liều lĩnh điều khiển xe sau khi uống rượu bia và hậu quả là gây ra tai nạn hàng loạt.

Trước vụ việc kể trên, một vụ tai nạn xảy ra tại xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) do người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt mức cho phép và chưa có bằng lái xe, vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của 2 người đang lưu thông trên đường…

Thực tế cho thấy, việc uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vô cùng nguy hiểm và đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra từ hành vi trên. Đây không đơn thuần chỉ là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà còn thể hiện thái độ thiếu ý thức trách nhiệm đối với tính mạng của bản thân và của tất cả những người đang tham gia giao thông trên đường.

Kiểm tra nồng độ cồn của các lái xe. Ảnh: Văn Phương

 

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong quý I vừa qua, cả nước xảy ra hơn 4.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. Phân tích nguyên nhân gây tai nạn giao thông của gần 1.500 vụ, số vụ tai nạn do lái xe sử dụng rượu bia gây ra là 270 vụ, chiếm khoảng 18%. Con số này cho thấy, người uống rượu bia thiếu tỉnh táo vẫn cầm vô lăng đang là thực trạng hết sức đáng báo động, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.

Hậu quả của những vụ tai nạn giao thông ai cũng thấy rõ, người chết, người thương tật vĩnh viễn, người phải ngồi tù. Những hậu quả về tính mạng con người, về mặt kinh tế, về xã hội và cả những chấn động về mặt tinh thần đối với cá nhân người bị tai nạn và thân nhân của họ là không thể nào đong đếm, bù đắp được. Không ai có thể làm sống lại các nạn nhân chết vì tai nạn giao thông, cũng không ai có thể làm dịu nỗi đau của những gia đình bị mất người thân vì tai nạn giao thông, chưa kể những thiệt hại về kinh tế.

Thảm họa từ những vụ tai nạn giao thông mà căn nguyên từ rượu, bia là hồi chuông cảnh báo về ý thức, đạo đức, lương tâm của những người ngồi sau tay lái.

Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP, ngày 25/5/2016 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt ghi rõ phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4-6 tháng tùy vào mức độ vi phạm.

Quy định đã rõ, nhưng nhiều lái xe dường như vẫn “quên” hay chế tài chưa đủ mạnh nên họ mới không sợ mà vẫn vô tư điều khiển xe sau khi uống rượu, bia để rồi gây ra những hậu quả đau lòng.

Tai nạn cứ thường xuyên xảy ra, không ai có thể lường trước được, nhưng việc đi lại của người dân thì vẫn phải tiếp diễn hằng ngày. Lên án hành vi uống rượu rồi lái xe, những ngày qua, người dân và cả những tài xế có trách nhiệm ở nhiều nơi đã lên tiếng, kiến nghị rằng cơ quan chức năng phải kiến nghị Nhà nước tăng chế tài xử lý nghiêm đối với những đối tượng, hành vi uống rượu rồi lái xe gây tai nạn.

Cộng đồng cũng kêu gọi mọi người “đã uống rượu, bia - không lái xe” nhằm làm giảm thiểu những vụ tai nạn do rượu bia gây ra và nâng cao ý thức về vấn đề này. Trên facebook, cư dân mạng cũng đồng loạt thay đổi ảnh đại diện (avatar) trên fanpage cá nhân thành những hình ảnh mang thông điệp: “Nói không với rượu bia khi lái xe!” hoặc “Say xỉn lái xe là tội ác”.

Rượu bia là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông. Đối với cán bộ, công chức, việc uống rượu, bia vào giờ hành chính có thể còn làm ảnh hưởng tới tác phong, uy tín cũng như hiệu quả làm việc như: đến trễ, thiếu tỉnh táo khi làm việc.

Để nâng cao kỷ cương hành chính, lề lối làm việc, ngày 24/4/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Kết luận số 1663-KL/TU về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh”. Mấy năm nay, nhờ việc thực hiện nghiêm Kết luận này mà tác phong, ý thức của các cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên, hiệu quả công việc được cải thiện; qua đó góp phần hạn chế tình trạng cán bộ, công chức, viên chức uống rượu rồi tham gia giao thông…

Nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân tham gia giao thông, vấn đề đạo đức, ý thức trách nhiệm những người tham gia giao thông luôn được đặt lên hàng đầu, trong đó, điều quan trọng là phải hạn chế tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia. Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định khi tham gia giao thông cùng với việc xây dựng văn hóa giao thông cho đội ngũ lái xe để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc.

THÙY HƯƠNG

Chuyên mục khác