11/05/2020 06:04
Được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch bệnh Covid- 19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi, Hội nghị tập trung bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn và phục hồi kinh tế, trong đó nhấn mạnh mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phấn đấu đạt các mục tiêu tăng trưởng.
Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên tổ chức trực tiếp tới 63 điểm cầu cộng với 30 điểm cầu của bộ, ban, ngành trung ương và được tường thuật trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Có nghĩa là, tất cả 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh, mở rộng hơn là 90 triệu người dân cả nước đều được theo dõi, lắng nghe phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia và nhất là của người đứng đầu Chính phủ.
Tôi có vài ba người bạn thân là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, vận tải. Tất cả đều thuộc nhóm “doanh nghiệp vừa và nhỏ”, tức là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, thậm chí có thể “chết” bởi dịch bệnh Covid- 19. Và trên thực tế, cũng đã có những doanh nghiệp như họ đang trong tình trạng “chết lâm sàng”.
Vậy nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi họ đặc biệt quan tâm, theo dõi Hội nghị “Diên Hồng” sáng 9/5. Từ sáng sớm, họ đã tập trung tại một quán cà phê gia đình, ngồi bên nhau hồi hộp chờ giờ khai mạc. Tất nhiên, tôi được mời dự với tư cách bạn bè thân thiết.
Chúng tôi muốn nghe các bộ ngành, chuyên gia đánh giá như thế nào về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Và Chính phủ có thêm giải pháp cần thiết nào để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch- một người nói.
|
Điều mong muốn của tôi lúc này là các cơ quan và tổ chức có liên quan thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ đã được ban hành. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhanh một ngày thì doanh nghiệp sống, chậm một ngày doanh nghiệp có thể sẽ không còn- người khác tiếp lời.
Tôi cho rằng, mong ước ấy là hoàn toàn chính đáng. Trong suốt thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc ngăn chặn dịch bệnh, dù họ phải đánh đổi lợi ích kinh tế, mà điều đó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng: ngừng hoạt động, thậm chí phá sản.
Như chủ một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng ngồi bên cạnh tôi đang dán mắt vào màn hình tivi đây chẳng hạn. Ngay từ cuối tháng 3/2020, anh đã quyết định tạm đóng tất cả các cửa hàng và cơ sở kinh doanh; dăm chục công nhân, nhân viên được cho nghỉ ở nhà nhưng vẫn hưởng lương cơ bản, tùy vị trí, tiếp tục được đóng các loại bảo hiểm.
Tôi từng thắc mắc hỏi anh sao quyết định sớm thế, anh nói: Phải bảo vệ nhân viên, cùng cộng đồng và Chính phủ chống dịch. Nếu các cửa hàng vẫn mở hoặc nhà máy vẫn hoạt động thì khách hàng cũng ít, thiệt hại cho công ty rất nhiều mà nguy cơ lây nhiễm cho người dân và chính nhân viên lại cao.
Sở dĩ tôi kể thêm chuyện này là vì muốn nói rằng, với doanh nhân, dù lợi ích kinh tế là mục tiêu hàng đầu, nhưng trước những thử thách mang tính sống còn thì trách nhiệm xã hội mới là ưu tiên số một. Với đại dịch Covid-19, một số người sẽ mất một ít, một số người sẽ mất rất nhiều, một số người sẽ mất tất cả, nhưng họ sẵn sàng “đặt xuống” lợi ích cục bộ, cá nhân trước mắt để nghĩ cho đại cục.
Nhưng một cuộc chiến bao giờ cũng để lại những hậu quả nặng nề. Bằng chứng là, theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh, tính đến cuối tháng 4/2020, trên địa bàn tỉnh đã có 18 doanh nghiệp và 1 hợp tác xã phải giải thể; 79 doanh nghiệp, 3.782 hộ kinh doanh cá thể và 7 hợp tác xã tạm dừng hoạt động. Dù chưa có những con số thống kê cụ thể về thiệt hại kinh tế, nhưng chắc chắn là rất lớn.
Chính vì vậy, khắc phục hậu quả cuộc chiến luôn là giai đoạn khó khăn hơn rất nhiều, phức tạp hơn rất nhiều so với khi “đánh trận”. Hàng loạt những bài toán về phát triển kinh tế, an sinh xã hội, nạn thất nghiệp và cả nguy cơ dịch bùng phát trở lại đang chờ đợi tất cả chúng ta giải quyết.
Tuy nhiên, hậu đại dịch Covid-19 cũng đang được đánh giá là một “thời cơ” mới cho những ai biết “biến nguy thành cơ”- như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
|
Trong khó khăn, Chính phủ đã có những quyết sách “chưa từng có”, như gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo tinh thần Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ; gói tín dụng 285.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ; gói chính sách tài khóa 180.000 tỷ đồng thông qua việc gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất…
Tất cả những quyết sách ấy thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Nhưng điều đó không có nghĩa là các doanh nghiệp có thể “ung dung” vượt khó với sự “hà hơi tiếp sức” ấy. Thành công chỉ đến với những doanh nghiệp có sức sống kiên cường, khả năng chống chịu trong khó khăn cao, dám đương đầu với rủi ro, linh hoạt và mạnh dạn nắm bắt cơ hội.
Theo một khảo sát vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 55% doanh nghiệp cho biết tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý 3; 22% quyết định mở rộng quy mô trong quý 3 và chỉ có 21% ý kiến cho biết thu hẹp quy mô.
Còn trên địa bàn tỉnh, theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm, lợi nhuận không còn nhưng vẫn cố gắng duy trì việc làm cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với những đổi thay bất lợi, bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh trong tình hình mới, như cắt giảm chi phí gián tiếp; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh.
Điều đáng mừng nữa là trong giai đoạn khó khăn hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp khác cùng nhau ứng phó, vượt qua thách thức, khó khăn.
Ngay trong số bạn bè của tôi, thay vì cạnh tranh, họ lại động viên lẫn nhau, hỗ trợ nhau bằng cách giảm giá sản phẩm, dịch vụ; ưu tiên sử dụng sản phẩm và dịch vụ của nhau với mức ưu đãi nhất, làm mọi việc để dìu nhau vượt qua đại dịch.
Dù không làm kinh doanh, nhưng tôi ủng hộ quan điểm của các doanh nhân rằng: Sau cơn mưa trời lại sáng. Dịch bệnh đem lại sức tàn phá khủng khiếp, nhưng cũng là cuộc sàng lọc lớn, tạo sức ép doanh nghiệp bộc lộ thực lực của mình. Những kiểu làm ăn chụp giật, dựa dẫm lợi ích nhóm, hay có nguồn sống từ các hoạt động không minh bạch sẽ bị lộ; các doanh nghiệp không có tiềm lực thực chất, sống dựa vào nguồn nuôi từ vốn vay và đảo nợ trong điều kiện khắt khe cũng bị phơi bày và biến mất. Ngược lại, những doanh nghiệp hoạt động thực chất, đem lại giá trị thật cho nền kinh tế sẽ trụ lại và mạnh mẽ hơn.
Đại dịch Covid- 19 đã và đang tác động tới tất cả chúng ta, nhưng đây cũng là cơ hội để chúng ta xây dựng lại.
Cùng nỗ lực để vượt qua thách thức là nhiệm vụ và cũng là mệnh lệnh với tất cả chúng ta lúc này!
Hồng Lam