Chuyển đổi số - Động lực phát triển kinh tế - xã hội

07/10/2024 06:20

Những năm qua, với quyết tâm, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh ta đã và đang diễn ra mạnh mẽ. Chuyển đổi số mang lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, một trong những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nên công tác này luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời.

Đặc biệt, ngày 18/02/2022, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 29/4/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 1250/KH-UBND nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu và định hướng, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, nhiệm vụ thường xuyên và phân công cụ thể cho các sở, ban ngành, các địa phương nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 09-NQ/TU.

Vừa qua, tỉnh ta tổ chức Hội nghị chuyển đổi số năm 2024, đánh giá kết quả đạt được và đề ra giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới. Ảnh: TH

 

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trên sàn thương mại điện tử Việt Nam, bảo vệ bản thân và gia đình trên môi trường mạng, hỗ trợ cài đặt phần mềm VNeID và kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Từng ngành, địa phương đã chủ động xây dựng được kế hoạch chuyển đổi số; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo ba trục là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Phương châm thực hiện lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể trong chuyển đổi số. Đồng thời, thống nhất nhận thức và đảm bảo nguyên tắc “5 vấn đề - 4 xuyên suốt - 3 giá trị - 2 mục tiêu - 1 quyết tâm”. Đó là, vấn đề là pháp lý, hạ tầng công nghệ, tạo lập dữ liệu, đảm bảo an ninh an toàn, bố trí nguồn lực, xuyên suốt là từ trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã; các giá trị bao gồm văn minh xã hội, phát triển kinh tế, phòng, chống tội phạm. Mục tiêu là nhận thức đúng và giải pháp trúng, sáng tạo, đột phá và người đứng đầu các đơn vị phải quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, được thể hiện bằng phương pháp chỉ đạo, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian”, có kiểm tra, giám sát, chỉ bàn làm, không bàn lùi.

Từ đó, cùng với cả nước, chương trình chuyển đổi số của tỉnh ta đã có những bước tiến đáng kể,  thể hiện rõ nét qua từng con số, từng lĩnh vực.

Năm 2023, UBND tỉnh ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung; Danh mục cơ sở dữ liệu mở tỉnh Kon Tum với 64 cơ sở dữ liệu dùng chung của 17 lĩnh vực và 199 cơ sở dữ liệu mở của 14 lĩnh vực. Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh đã cập nhật 75 bộ dữ liệu thuộc 12 lĩnh vực của 31 cơ quan, đơn vị; kết nối kỹ thuật đến 18 cơ sở dữ liệu từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, tỉnh đã triển khai Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên nền tảng dịch vụ công tỉnh Kon Tum.

Để thúc đẩy chuyển đổi số, tỉnh quan tâm đầu tư, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp nhằm nâng cấp, phát triển hạ tầng số, xóa vùng lõm sóng di động trên địa bàn tỉnh; xây dựng lộ trình tắt dần các trạm 2G hoặc 3G ở các khu vực có số thuê bao, lưu lượng 2G thấp và tăng cường phủ sóng mạng bằng công nghệ 4G để đáp ứng về vùng phủ sóng. Đồng thời, đề ra các giải pháp hỗ trợ người dân đổi điện thoại 2G sang điện thoại hỗ trợ công nghệ 4G... Hiện, toàn tỉnh có 59,47% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng và 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Internet băng rộng di động 4G phủ đến thôn, có 92% người dân trong độ tuổi trưởng thành sử dụng internet băng rộng di động.

Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: T.H

 

Một trong những điểm sáng trong thực hiện chuyển đổi số là chuyển biến tích cực trong xây dựng chính quyền số. Tỉnh ta thực hiện ứng dụng có hiệu quả các nền tảng, hệ thống dùng chung, hoàn thành việc cung cấp, tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia với tổng số 1.363 trên tổng số 1.753 thủ tục hành chính. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với 74,54% hồ sơ cấp tỉnh, 87,33% hồ sơ cấp huyện và 83,56% hồ sơ cấp tỉnh đã thực hiện số hóa đầy đủ thành phần.

Bên cạnh đó, kinh tế số cũng được chú trọng thực hiện phát triển. Toàn tỉnh có 62% xã có các hợp tác xã, 66% cấp huyện triển khai các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực. Toàn tỉnh có 60.686 thuê bao đã đăng ký Ví điện tử Mobile Money, tăng 60% so với cuối năm 2023; có 158/223 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký thành công áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Các hoạt động mua sắm, tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển

Chuyển đổi số cũng thể hiện rõ trên từng lĩnh vực, đến từng ngõ, từng nhà, từng đối tượng. Công an tỉnh đã tiếp nhận và bàn giao 441.186 thẻ căn cước công dân gắn chíp (tính đến 28/5/2024).  100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. 98,5% người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã được đồng bộ và xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;  56,69% người hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội được chi trả qua tài khoản. 100% trường trung học và cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng có hiệu quả hệ thống quản lý trường học, phần mềm Quản lý nhà trường SMAS; 52,6% cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí không dùng tiền mặt. Ngành Lao động, thương binh và xã hội đã cập nhật dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội.

Có thể nói, chuyển đổi số ngày càng có đóng góp tích cực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thiên Hương

Chuyên mục khác