23/08/2017 07:00
Không lo sao được khi điểm chuẩn vào các trường sư phạm có xu hướng giảm dần những năm gần đây. Đặc biệt năm nay, một số trường sư phạm có điểm đầu vào rất thấp, chỉ ngang bằng với điểm sàn đưa ra, thậm chí có trường cao đẳng sư phạm thông báo tuyển sinh chưa đến 10 điểm/3 môn.
Ngành sư phạm hay nói rộng hơn là nghề giáo đang thiếu sức hấp dẫn? Lấy đơn cử ngay trên địa bàn tỉnh, thử điểm mặt đặt tên những thí sinh đạt điểm cao trong năm nay, tịnh không một em nào chọn theo ngành Sư phạm.
Nhiều phụ huynh, trong đó có những người là giáo viên dù rất yêu nghề vẫn không định hướng cho con theo nghề giáo đã lý giải rằng, lương, chế độ đãi ngộ không cao, lại khó xin việc… Ngoại trừ những giáo viên vùng thuận lợi “sống được” nhờ dạy thêm (cũng không phải là nhiều), còn lại không ít giáo viên hoặc phải chắt bóp tằn tiện hoặc phải bon chen đủ với các nghề tay trái… khiến nhiều thế hệ học sinh khi đứng trước dấu mốc quan trọng chọn ngành, chọn nghề so sánh. Vì cho đến nay, giáo viên chưa phải là nghề trong nhóm có thu nhập cao nên học sinh giỏi dù có muốn theo nghề giáo cũng đành nhắm mắt làm ngơ. Câu nói tưởng như đùa vui của một thời “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” như vòng luẩn quẩn cho thời điểm hiện tại?
Chúng ta cũng biết rằng điểm số không phải là tất cả. Vì cho dù điểm đầu vào ngang bằng với điểm sàn nhưng trong số đó sẽ có không ít em không ngừng nỗ lực để trở thành sinh viên giỏi, giáo viên giỏi. Nhưng, con số đó không phải là nhiều. Trên bình diện tổng quan, một khi khó thu hút được những học sinh giỏi thì tất yếu sẽ ít có những sinh viên sư phạm giỏi, những người thầy giỏi.
Lấy thực tế ngay trên địa bàn tỉnh. Ngay sau ngày thành lập lại tỉnh, toàn tỉnh chỉ có 1.269 giáo viên ở tất cả các cấp học, bậc học. Đội ngũ giáo viên vừa thiếu trầm trọng, lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ vì trong đó nhiều giáo viên được đào tạo theo hình thức công đoạn (giải pháp tình thế sau 1975 của tỉnh Gia Lai - Kon Tum cũ nên năng lực chuyên môn, nghiệp vụ hết sức hạn chế). Vậy là ngành Giáo dục tỉnh đã phải trải qua những tháng ngày gian khó khi phải “thanh lọc” đội ngũ bằng cách đào tạo nâng chuẩn, nâng cao chất lượng, luân chuyển những giáo viên không thể đảm đương giảng dạy sang làm những công việc hành chính…
Vậy trong tương lai chúng ta có phải trải qua những đợt “thanh lọc” như thế nữa hay không – nếu những học sinh có điểm mỗi môn thi đầu vào chỉ tầm 3 điểm trở thành thầy, cô giáo? Liệu họ có đủ khả năng, tri thức uyên thâm, tài năng sư phạm để đào tạo, dạy dỗ, khai sáng tài năng cho những thế hệ tương lai? Và liệu chúng ta có thể lạc quan, tin tưởng khi giao phó con, cháu chúng ta cho những giáo viên đứng lớp mà điểm thi mỗi môn chỉ vào tầm 3 điểm?
Bác Hồ đã nói: Giáo dục một người thầy tốt, được cả một thế hệ. Tư tưởng đó của Người cùng với thực tiễn từ ngàn xưa đã khẳng định vai trò của người thầy. Thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu. Có lẽ vì vậy nên đời nào cũng vậy, xã hội luôn đề cao và yêu cầu cao đối với nghề dạy học. Sản phẩm của “trồng người” là tạo ra con người của thế hệ tương lai. Một người cán bộ, một công nhân tồi có thể làm hỏng một vài sản phẩm, một vài công trình, nhưng một người giáo viên tồi có thể làm hỏng cả thế hệ - đó là hậu quả khôn lường của cả xã hội.
Nghị quyết số 29 (khóa XI) của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đề ra nhiệm vụ về phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Nói cách khác, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo mà Đảng và Nhà nước đề ra có thành công hay không đều do đội ngũ nhà giáo quyết định.
Không để tái diễn cảnh “chuột chạy cùng sào” này, ngày 16/8, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định, từ năm 2018, sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường cao đẳng, đại học sư phạm và các khối ngành đào tạo giáo viên khiến cho những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục phấn chấn lên phần nào.
Nhưng, đó chưa phải là giải pháp căn cơ, gốc rễ. Để nhiều học sinh xuất sắc theo ngành Sư phạm thì vẫn cần lắm những chính sách, chế độ ưu đãi. Một khi công việc ổn định, đời sống được đảm bảo thì tất yếu nghề giáo sẽ có sức hút với những học sinh xuất sắc. Đầu vào tốt sẽ có những người thầy tốt và có thầy tốt sẽ có những thế hệ học trò tốt.
Nguyên Phúc