14/09/2016 14:07
Người thì “việc nhà tôi, tôi lo” nên tỏ thái độ ngăn cản, không hưởng ứng. Người thì cho rằng nhà mình cao tầng làm gì có muỗi, hoặc nếu có cũng chỉ cho phun thuốc ở tầng 1, còn tầng 2, tầng 3… thì thôi. Người thì vì sợ bẩn nhà, độc hại, sợ ảnh hưởng đến việc làm ăn… nên tỏ thái độ xua đuổi khi có người đến tận nhà phun thuốc…
Thế nhưng, chính những đối tượng không đồng ý cho cán bộ y tế dự phòng phun thuốc và nảy sinh tâm lý chủ quan không mắc màn khi ngủ, không đậy nắp các thùng chứa nước, chai lọ chứa nước, không vệ sinh môi trường trong và ngoài nhà… lại dễ mắc bệnh nhất. Bởi, muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết thường sinh sống ở trong nhà và đẻ trứng sinh ra bọ gậy/lăng quăng tại những khu vực có chứa nước trong nhà. Chính vì vậy mà ngay cả những nhà cao tầng vẫn có thể là “ổ” muỗi gây dịch bệnh. Hơn nữa, tâm lý chủ quan ấy đã dẫn nên việc phun hóa chất diệt muỗi không thể bao phủ được mọi hộ gia đình, mọi khu dân cư, tạo điều kiện cho muỗi từ những hộ này vẫn sinh sôi nảy nở, bay sang các hộ bên cạnh lây truyền bệnh.
|
Trái ngược với với sự bàng quan, thiếu ý thức trong phòng chống bệnh, một thái cực nữa phải kể đến là quá lo lắng với dịch bệnh, không ít người lạm dụng, tự ý mua hóa chất về phun. Cũng là điều dễ hiểu, khi số ca mắc bệnh, ổ dịch và cả người chết vì bệnh sốt xuất huyết ngày càng tăng đã khiến người dân hoang mang, lo sợ. Và cách phòng tránh đơn giản nhất mà mọi người truyền tai nhau: Tự phun thuốc diệt muỗi. Thuốc thì chỉ cần ra cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, dụng cụ thì chỉ cần mua loại bình xịt tay. Vậy là, toàn bộ số muỗi nhà mình sẽ được hạ gục nhanh gọn, lo gì đến sốt xuất huyết.
Nhưng, ít ai nghĩ rằng biện pháp này cũng lợi bất cập hại. Bởi, các loại thuốc xịt muỗi không đảm bảo chất lượng chỉ làm muỗi ngã gục một thời gian chứ không thể chết. Trong khi đó, hóa chất nào cũng có chất độc hại, ngay cả những hóa chất diệt côn trùng được cấp chứng nhận về độ an toàn, tiếp xúc thường xuyên cũng không có lợi cho sức khỏe… Vậy nên, chuyện người già, em nhỏ bị nôn mửa, tiêu chảy, ngộ độc nhẹ sau khi tự ý phun hóa chất diệt muỗi cũng không phải là hiếm. Và như đã nói, nếu chỉ phun trong phạm vi gia đình thì sẽ không bao giờ đạt hiệu quả, vì muỗi gây bệnh từ các khu vực xung quanh di cư sang.
Đáng quan tâm hơn là việc việc người dân tự ý mua, pha và phun hóa chất diệt muỗi đã dẫn đến tình trạng muỗi kháng thuốc. Một cán bộ y tế cho hay, hiện tại, chỉ còn 1 trong số 4 loại thuốc hóa chất diệt muỗi được Bộ Y tế cấp phép còn có thể sử dụng được song đã phải tăng nồng độ cao hơn mới có tác dụng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mầm bệnh khó bị tiêu diệt và số người mắc bệnh khó giảm. Nếu ngành chức năng quản lý không chặt việc cung cấp thuốc và tự ý phun hóa chất diệt muỗi của người dân sẽ làm tăng nguy cơ muỗi kháng thuốc và khó dập dịch.
Có thể thấy, hai thái cực thường thấy của người dân trước dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã trở thành vấn đề y tế nan giải. Một khi người dân từ chối phun hóa chất, không hợp tác với cán bộ y tế sẽ dẫn đến việc khống chế và dập tắt các ổ dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Một khi mà kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế, nghĩ việc phòng bệnh chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, coi nhẹ việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy… thì cũng không thể nào diệt được hết mầm bệnh.
Con số thống kê đáng quan ngại: 336 ổ dịch, trên 2.400 trường hợp mắc bệnh (trong đó có 2 trường hợp tử vong), 10/10 huyện, thành phố với 81/102 xã, phường, thị trấn có ca bệnh sốt xuất huyết phần nào cũng bắt nguồn từ hai thái cực này. Vậy nên, mỗi người cần phải biết tự bảo vệ mình, đừng vì chủ quan, thiếu hiểu biết mà phải gánh chịu những nỗi đau, mất mát không đáng có.
Bình Toàn