Chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai

19/08/2019 13:01

Những ngày đầu tháng 8 này, mưa lũ dồn dập diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên gây ngập lụt, chia cắt nhiều vùng, làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân, tài sản Nhà nước. Do đó, việc chủ động phòng chống, ứng phó với thiên tai để giảm thấp nhất thiệt hại là nhiệm vụ cấp bách trong mùa mưa.

Suốt những ngày qua, các cấp, các ngành và người dân nhiều tỉnh, đặc biệt là các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đăk Nông và Gia Lai phải gồng mình ứng phó với mưa lũ. Hàng ngàn hecta cây cối, hoa màu bị ngập úng, hàng trăm nhà dân bị ngập. Nhiều tuyến giao thông, công trình cầu cống, trường học bị phá hủy…Tổng thiệt hại về tài sản ước tính gần 1.000 tỷ đồng. Các lực lượng chức năng cũng đã phải di dời, sơ tán hàng ngàn người để đảm bảo an toàn tính mạng người dân trước nguy cơ vỡ đập hồ thủy điện. Đau xót nhất là mưa lũ đã cướp đi sinh mạng của 10 người dân.

Ở tỉnh ta, mức độ ảnh hưởng và thiệt hại tuy không nặng nề như tại 4 tỉnh trong khu vực, nhưng cũng có 2 người chết do mưa lũ. Nhiều tuyến giao thông tại huyện Tu Mơ Rông, thành phố Kon Tum, Sa Thầy…cũng bị ảnh hưởng gây sạt lở, hư hỏng, sụt lún nền đường.

Điều đó cho thấy, thiên tai luôn gây ra thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản, để lại những hậu quả mà phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục, thậm chí có những mất mát không thể khôi phục. Hiện nay, tỉnh ta đang bước vào thời gian cao điểm của mùa mưa bão, tình hình thiên tai, bão lũ sẽ có những diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, công tác phòng chống bão lũ là vấn đề các cấp, các ngành và cả cộng đồng cần quan tâm triển khai thực hiện quyết liệt, không thể chủ quan, xem nhẹ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, khó lường theo chiều hướng cực đoan hơn; mưa lũ cường suất lớn, hạn hán, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra thường xuyên hơn.

Còn nhớ, trong tháng 8/2018, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, số 4 và áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra mưa lớn kéo dài gây lũ lụt, sạt lở đất, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân, nhất là ở các huyện Tu Mơ Rông, Ia H’Drai, Đăk Glei, Kon Plông. Nhiều công trình hạ tầng bị hư hỏng, gây ách tắc giao thông tại một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; các tuyến đường liên xã thuộc các huyện cũng bị sạt lở nghiêm trọng…

Tỉnh lộ 675 đoạn qua địa bàn thôn Măng La Klã ((xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: TVP

 

Theo dự báo, tình hình thời tiết, khí hậu tiếp tục có những diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất ở khu vực đất dốc hoặc ven sông, suối là rất cao.

Trước mỗi mùa mưa bão, các ngành, các địa phương đều xây dựng kế hoạch và triển khai các phương án phòng chống, ứng phó với thiên tai; các địa phương dành nguồn đầu tư gia cố một số công trình hạ tầng như ngầm tràn, đập tràn có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão, nâng cấp các công trình thủy lợi, công trình giao thông; chủ động dự trữ các phương tiện, vật tư dự phòng… nhằm ứng phó với mưa bão. Thế nhưng, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, việc chủ động, tăng cường phòng chống bão lũ vẫn là vấn đề cần được đặt lên hàng đầu. Bởi, trong công tác phòng tránh thiên tai có khi việc chuẩn bị phải mất cả năm, nhưng chỉ sử dụng một vài giờ, chủ quan, lơ là thì sẽ phải trả một cái giá rất đắt.

Chính vì vậy, để chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời và giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, mới đây, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND (ngày 2/8/2019) về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo đó, nhiệm vụ đặt ra đối với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố là phải kiểm tra, nắm chắc số lượng phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và có phương án huy động phương tiện, lực lượng ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra; xây dựng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, quán triệt, triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Các đơn vị, địa phương thường xuyên cập nhật bản tin dự báo khí tượng thủy văn, các thông tin liên quan đến dự báo; theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ trên các phương tiện thông tin; chủ động, sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với mưa bão, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hệ thống công trình hồ đập và khu vực hạ du, nhất là các hồ xung yếu; đồng thời có phương án sơ tán người dân đến nơi an toàn. Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức; phổ biến kiến thức, kỹ năng, các biện pháp, kinh nghiệm phòng tránh, ứng phó với các dạng thiên tai cho người dân; thực hành diễn tập triển khai các phương án ứng phó các tình huống thiên tai tại địa bàn, những vùng xung yếu, trọng điểm nguy cơ cao và thường xuyên xảy ra thiên tai cũng là nhiệm vụ hết sức cấp thiết….

Song song với việc ban hành văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng chống tiên tai, bão lũ, trong những ngày vừa qua, UBND tỉnh thành lập các đoàn đi kiểm tra tình hình thực tế việc triển khai thực hiện công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại một số địa phương như Tu Mơ Rông, Sa Thầy để trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo và định hướng giúp các địa phương chủ động hơn, nâng cao hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ này.

Để công tác phòng chống thiên tai thực sự hiệu quả, giảm bớt những thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra thì cần chủ động phòng tránh, trong đó lấy phòng là chính. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, tích cực, đồng thuận của các cấp, các ngành và của mỗi người dân.

Thùy Hương

Chuyên mục khác