26/12/2017 07:04
Sao phải động viên nhau như vậy, nếu là bé gái?
Vì, nhà này, nhà kia, nếu có cậu con trai nối dõi tông đường luôn tỏ ra tự tin, chuyến này khỏi phải bị châm chọc “ngồi mâm dưới”, khỏi phải chịu cảnh giận hờn, áp lực giữa vợ - chồng, áp lực giữa đôi vợ chồng với gia đình hai bên nội, ngoại.
Vì, gia đình quy mô nhỏ (chỉ có 1-2 con) đã tạo áp lực cho các cặp vợ chồng: vừa phải có ít con, lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Có con trai mới được xem là có con để vừa là trụ cột về tinh thần vừa là trụ cột về kinh tế, lao động chính cho gia đình…
Không ít ông bố, thậm chí cả bà mẹ thú thực rằng, đứa con đầu chưa nói gì, đến đứa thứ hai giới tính cũng giống mẹ đã có đôi phần hụt hẫng. Các ông bố hụt hẫng vì chưa bằng bạn bằng bè, chưa có người nối dõi tông đường; còn các bà mẹ hụt hẫng vì cảm thấy như chưa “biết đẻ”, chưa làm tròn “bổn phận” với chồng, với nhà chồng. Nên nhà nào cũng cố sinh được con trai đầu lòng cho chắc ăn, đứa sau trai hay gái đều được. Còn nhà nào sinh con gái đầu lòng thì lo lắm, đến đứa thứ hai phải theo đủ các kiểu, từ đông y đến tây y, từ ăn uống cho đến chế độ sinh hoạt…., cốt sao phải là con trai. Vậy là, người này mách nhỏ người kia bác sĩ này giỏi lắm; uống thuốc này, kết hợp biện pháp kia hay lắm…, thể nào cũng được thằng cu…
Tư tưởng trọng nam khinh nữ ấy lại được sự “tiếp tay” của khoa học kỹ thuật, y học nên các ông bố, bà mẹ không chỉ lựa chọn phương pháp tạo giới tính thai nhi ban đầu mà còn qua phương pháp siêu âm chẩn đoán để sớm “giải quyết”. Và một khi mà ai cũng có thể dễ dàng tìm hiểu, biết phương pháp tạo giới tính thai nhi thì sự lựa chọn giới tính thai nhi đã xảy ra ngay từ lần sinh thứ nhất. Đây là một trong những nguyên nhân làm chênh lệch giới tính khi sinh với tỷ lệ bé trai áp đảo hoàn toàn bé gái.
Thông thường, tỷ số giới tính khi sinh là 104 -106 bé trai (trung bình là 105)/100 bé gái; nếu số bé trai sinh ra 107 trở lên là ở mức báo động, đang ở tình trạng mất cân bằng giới tính. Như vậy, với tỷ số giới tính khi sinh 109 bé trai/100 bé gái trong năm 2017, nghĩa là Kon Tum chúng ta đang ở vào tình trạng mất cân bằng giới tính.
Dù không quá ngỡ ngàng trước số liệu thống kê được đưa ra, cũng không quá xa lạ với những hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh đã được dự báo, nhưng biết bao người dù cố để có con trai lại tự vấn lòng mình, khoảng 15-20 năm nữa sẽ phải làm gì để giúp con trai mình lựa chọn bạn đời? Những chàng trai 20- 30 tuổi khi ấy không có nhiều lựa chọn. Hàng loạt vấn đề sẽ xảy ra: những thay đổi trong hệ thống hôn nhân và gia đình; tranh giành trong tìm kiếm bạn đời; gia tăng tội phạm buôn bán phụ nữ vì mục đích hôn nhân và mại dâm, buôn bán, bắt cóc trẻ em….
Và như bao người vẫn đùa vui, khi ấy phụ nữ sẽ “có giá”! Xin thưa, vị thế của người phụ nữ không những không được cải thiện được mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn, tái hôn của người phụ nữ tăng cao; tình trạng bạo hành giới, buôn bán phụ nữ có thể sẽ gia tăng…
Lúc đó, sinh con trai hay con gái; sự khấp khởi mừng thầm khi có con trai hay sự động viên, chia sẻ lẫn nhau khi có con gái sẽ trở thành câu chuyện chung của cả xã hội chứ không phải là niềm vui, nỗi buồn của riêng một gia đình nào!
Nguyên Phúc