Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội

28/11/2022 06:02

Với 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 7 DTTS tại chỗ có lịch sử cư trú lâu đời đã tạo nên sự đa dạng, phong phú và nhiều nét đặc sắc về văn hóa của tỉnh ta. Do đó, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS ngày càng được tỉnh ta chú trọng, quan tâm và là hướng đi đúng nhằm gìn giữ, phát huy và khai thác giá trị văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định rõ tầm quan trọng của văn hóa, nhất là văn hóa truyền thống các DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua các cấp ủy đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS bằng các chương trình, kế hoạch, đề án.

Theo đó, các ngành, địa phương đã triển khai hiệu quả các đề án như: Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum; Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ DTTS rất ít người Brâu và Rơ Măm; tổ chức “Tuần lễ Văn hóa, Du lịch” (định kỳ 2 năm một lần) với các hoạt động như trình diễn âm nhạc cồng chiêng, các nhạc cụ truyền thống, ẩm thực và tổ chức Hội thi cồng chiêng, múa xoang các DTTS . Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, giá trị của di sản văn hóa truyền thống các DTTS. Tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc được chuyển tải trên sóng đài phát thanh-truyền hình, Báo ảnh Kon Tum, các lớp học tiếng DTTS dành cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

Biểu diễn cồng chiêng, múa xoang tại Hội thi cồng chiêng, múa xoang các DTTS. Ảnh: T.H

 

Ngành Văn hóa và các địa phương đã nghiên cứu, phục dựng 33 lễ hội truyền thống, tiêu biểu như lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả của người Rơ Măm, lễ cúng làng của người Brâu, lễ bắc máng nước của người Xơ Đăng, lễ cầu an của người Gia Rai. Các câu chuyện sử thi, bài ca dao, dân ca, truyện cổ cũng được sưu tầm  và tư liệu hóa, xuất bản thành các ấn phẩm để phổ biến lại trong cộng đồng.

Vì vậy, đến nay, toàn tỉnh có 2.500 bộ cồng chiêng được các DTTS trên địa bàn tỉnh bảo tồn, lưu giữ; hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng được tổ chức; nhiều bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ trọn vẹn.

Các thiết chế văn hóa, đặc biệt loại hình nhà rông truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ được bảo tồn, phục dựng. Các nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát được bảo tồn và phát triển.

Nghệ thuật trình diễn dân gian, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng được chú trọng bảo tồn đã góp phần thực hiện hiệu quả những cam kết của Việt Nam với UNESCO về công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh.

Có thể nói, di sản văn hóa hay nói cụ thể hơn là di sản không gian văn hóa cồng chiêng của các dân tộc tỉnh ta đã góp phần tạo nên “sức mạnh mềm”, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc bảo tồn được thực hiện dựa trên cơ sở chọn lọc được những tinh hoa, nét đặc sắc của các dân tộc để lưu giữ và trao truyền, đầu tư phát triển bền vững đi đôi với nhận diện và xóa bỏ những hủ tục, để không làm cản bước sự phát triển.

Song song với bảo tồn, tỉnh ta đã chú trọng “đánh thức” lợi thế, giá trị của văn hóa, nổi bật là gắn phát triển với du lịch, nhất là khai thác hiệu quả du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta đã bước đầu hình thành một số điểm du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông); làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum); điểm du lịch làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà). Qua đó, đã mang lại “giá trị kép”, đó là vừa góp phần quảng bá, khai thác tiềm năng, thế mạnh về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, vừa tạo sinh kế cho đồng bào, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó, khích lệ các gia đình, cộng đồng tích cực gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Những điều này đã góp phần cụ thể hóa và thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS để phát triển đời sống kinh tế - xã hội, an ninh chính trị vùng đồng bào các DTTS.

Thế nhưng, dưới tác động của đời sống xã hội hiện đại, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức như: Các hoạt động văn nghệ dân gian trước đây diễn ra thường xuyên ở các thôn làng thì giờ đây trở nên thưa thớt, có nguy cơ mai một. Nguồn lực triển khai thực hiện công tác bảo tồn còn hạn chế. Vấn đề giữ gìn giữ giá trị tích cực và loại bỏ những mặt tiêu cực, lạc hậu có lúc, có nơi còn lúng túng. Nhiều loại hình văn hóa truyền thống các DTTS chưa thật sự trở thành sản phẩm đặc trưng, chủ lực thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, nâng cao đời sống cho người dân.

Điều đó cho thấy, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa DTTS càng phải được chú trọng hơn nữa. Do vậy, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của 7 DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh ta đang dịch chuyển đúng trọng tâm, định hướng. Tuy nhiên, để di sản văn hóa tiếp tục chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là cần  sự chủ động, tích cực của các ngành chức năng, địa phương và mỗi cộng đồng, người dân vùng đồng bào DTTS.

Thiên Hương

Chuyên mục khác