28/08/2017 13:39
Kiểu tránh cho con học VNEN hay những tiếng thở dài nhè nhẹ vì có muốn tránh cũng không được như chị hàng xóm dường như trở thành nỗi niềm của nhiều phụ huynh có con theo học bậc tiểu học trong thời gian gần đây. Vì theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 44 trường tiểu học (trong đó có khá nhiều trường điểm ở khu vực nội thành phố) và 9 trường trung học cơ sở triển khai mô hình VNEN này. Trong khi đó, để cho con có một suất vào lớp 1 ở các trường điểm là cả hành trình nhọc nhằn của phụ huynh, từ chen chúc bốc thăm mà tỉ lệ chọi có người ví von còn hơn cả thi tuyển vào đại học, cho đến “chạy” hộ khẩu, nhờ vả các mối quan hệ… Nên dù muốn dù không, phụ huynh cũng không có lựa chọn nào khác.
Còn nhớ, khoảng 5 năm trước, khi mô hình VNEN mới triển khai, không chỉ cán bộ quản lý, giáo viên mà cả phụ huynh, học sinh đều háo hức. Háo hức vì mô hình này với tư duy lấy học trò làm trung tâm, học sinh không học thụ động mà bắt buộc phải có sự trao đổi, tương tác, tư duy, phát biểu ý kiến cá nhân mình với giáo viên và các bạn cùng lớp. Nội dung dạy học cũng giống như sách giáo khoa nhưng chỉ khác về phương pháp, cô giáo chỉ đóng vai trò định hướng, tổ chức hoạt động tự học của học sinh…
Tất cả đều chung cảm nhận mô hình này tạo điều kiện đổi mới phương pháp và các hình thức dạy học trên cơ sở tổ chức các hoạt động phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng tự học của học sinh. Đây chính là lợi thế, là những hành trang tốt cho các em bước vào đời bởi lâu nay nhiều em học sinh còn nhút nhát, thiếu các kỹ năng sống, không thể diễn đạt trước tập thể...
Nhưng rồi, qua thời gian, trong khi các nhà quản lý giáo dục, giáo viên vẫn tấm tắc khen thì với các bậc phụ huynh lại lắm cung bậc cảm xúc, người thì vẫn hồ hởi, người thì sao cũng được, người thì tránh hoặc nếu không tránh được đành cố giấu tiếng thở dài… Một số trường dù không thuộc diện hỗ trợ của dự án có thời gian từng quay bàn, quay ghế học sinh theo nhóm, dạy theo phương pháp VNEN nay lại thôi…
Vì sao lại vậy? Không ít phụ huynh cho rằng, cách bố trí học sinh kiểu 5-6 em ngồi quanh một bàn, có em ngồi quay lưng với giáo viên, với bảng viết, màn hình (cách truyền thống tất cả các em đều hướng về bảng) là không khoa học. Chưa đặt vấn đề đến vai trò của sự tương tác ánh mắt, nụ cười, diễn đạt... của người giáo viên với các em trong quá trình dạy - học, thì cách ngồi này hệ lụy phát sinh các bệnh tật về thị lực, về cột sống (cho dù thường xuyên luân chuyển chỗ ngồi).
Không chỉ vậy, mô hình này đặt quá cao vấn đề các em tự học, nhiệm vụ của người giáo viên chỉ là gợi mở, theo dõi, kiểm tra theo các bước học được định sẵn. Đại diện các nhóm phải báo cáo trước lớp cách làm, bài làm; giáo viên sẽ xác định đáp số, kết quả đúng sai; bước cuối cùng là học sinh cứ thế vô tư chép kết quả đúng vào vở của mình.
Hệ lụy là, kết quả hoặc đáp số trong vở các em thì đúng tăm tắp (nếu không đúng thì được sửa lại) nhưng cách làm, kiến thức thì có em sẽ không nắm, không hiểu, không biết, do kỹ năng trình bày về bài học của các nhóm không thể bằng người giáo viên.
Đó là chưa kể nhóm trưởng học giỏi đã đành, nhóm trưởng lơ mơ thì cả nhóm cũng lơ mơ theo. Thậm chí, kể cả nhóm trưởng giỏi thì các em chẳng qua cũng chỉ lặp lại theo định hướng của cô giáo, chứ không đủ khả năng để giải thích gốc rễ vấn đề vì sao phải như vậy cho các bạn cùng hiểu.
Vậy là, kết quả có thể đúng nhưng bản chất của bài học lại chưa nắm vững. Những trường thuận lợi còn đỡ, các trường vùng khó đã khó (từ cơ sở vật chất cho đến năng lực đội ngũ giáo viên, khả năng tiếp thu của học sinh, sự quan tâm của phụ huynh…) lại càng thêm khó…
Và, vì giáo viên chỉ định hướng, gợi mở, còn học sinh tự học nên thực tế có không ít giáo viên đứng lớp thiếu tinh thần trách nhiệm trở nên “nhàn” hơn, thay vì đi kiểm tra học sinh lại quay sang làm việc riêng…
Trước những băn khoăn ấy, cuối năm học 2016-2017, ngành Giáo dục tỉnh đã khảo sát ở 100% cán bộ quản lý, 70% giáo viên, 35% tổng số học sinh, phụ huynh ở các trường đang thực hiện thì các đối tượng khảo sát đều đánh giá cao và mong muốn tiếp tục mô hình.
Thế nhưng, kết quả đó cũng chưa thể phản ánh được bản chất của vấn đề. Mới đây, tại Hội nghị Triển khai năm học mới 2017 – 2018 bậc tiểu học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã yêu cầu phải rà soát lại, nếu trường nào chưa đủ điều kiện thì dừng triển khai và không được mở rộng nếu chưa đáp ứng được yêu cầu.
Năm học mới 2017-2018 bắt đầu. Những băn khoăn của phụ huynh và cả không ít giáo viên không phải không đáng suy ngẫm. Tư duy học trò là trung tâm, sinh hoạt nhóm là đúng, trúng, nhưng cần lắm một phương pháp giáo dục, một tư duy sư phạm phù hợp với lứa tuổi và tâm sinh lý.
Liễu Hạnh