21/03/2017 08:01
Hôm rồi, cậu con trai đang học ở một trường THCS về khoe rằng, lớp con có cô giáo đến thi giáo viên dạy giỏi. Mẹ hỏi, cô có dạy hay hơn cô giáo đang dạy ở lớp con không? Cu cậu nhanh nhảu, dĩ nhiên là hơn chứ mẹ. Vì cô thi nên cô phải chuẩn bị kỹ càng hơn. Sao con lại biết? Thì hôm trước cô đã đến lớp con dạy bài đó, cô dặn khi cô hỏi câu này thì các em phải trả lời như thế này, khi cô hỏi câu kia thì các em phải trả lời như thế kia… Nhưng không phải cô nào cũng vậy đâu mẹ, có cô chỉ vào dặn dò chúng con chuẩn bị bài để hôm sau cô dạy rồi thôi chứ không dạy trước, cũng không hướng cách trả lời trước như vậy.
Nghe cu con kể chuyện, bỗng dưng tôi cảm thấy có gì đó bâng khuâng. Chẳng phải, năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn lưu ý gửi các sở Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp với nội dung: “Giáo viên dự thi không được tập dượt dạy thử, dạy trước, không được “gà bài” trước cho học sinh. Khi thao giảng phải giữ nguyên trạng số lượng học sinh của lớp”?
Bâng khuâng vì với những tiết dạy như vậy ít có các tình huống sư phạm đột xuất đòi hỏi phát huy sự nhanh nhạy của giáo viên nên cũng khó để phân biệt giỏi hay không? Và một khi làm vậy thì các em học sinh sẽ nghĩ gì về giáo viên mình?
Bâng khuâng vì chưa nói xa xôi gì đến bệnh thành tích, câu chuyện kể của cu con lại khiến tôi nghĩ đến mối quan hệ nhân quả của căn bệnh này: đó là bài học về tính trung thực. Chẳng phải một khi giáo viên hai lần đứng lớp để dạy cùng một bài học, lại còn xây dựng “kịch bản”, “mớm” câu hỏi lẫn câu trả lời cho học sinh… khiến cho không ít em học sinh cảm thấy sự thiếu gương mẫu, đối phó, thiếu trung thực ngay từ các thầy cô giáo?
Nói về chuyện thiếu trung thực trong ngành Giáo dục, mới đây chẳng phải dư luận không khỏi bức xúc khi một cô hiệu trưởng và một cô hiệu phó ở Hà Nội có ứng xử thiếu trung thực trước việc một học sinh bị tai nạn gãy chân ở trong sân trường. Hai cô giáo chối quanh phủ nhận mọi chuyện, rồi trả lời tiền hậu bất nhất. Việc làm thiếu trung thực của hai cô đã bị trong ngành, dư luận lên án và kết quả là cách chức. Không ít người thầm trách các cô, nếu có như thế nào thì cứ nói đúng như vậy ngay từ đầu thì mọi chuyện đã không trở nên phức tạp. Trung thực thật thà không thua thiệt, chỉ là bất lợi chút ít trong khoảng thời gian ngắn. Về lâu dài trung thực mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là lòng tin.
Quay trở lại chuyện cô giáo “diễn”, “gà bài” trong tiết thi giáo viên dạy giỏi sẽ có người cho rằng “chuyện nhỏ” ấy mà. Nhưng, nhìn xa hơn, nhìn lâu dài hơn thì hôm nay cô này “diễn”, mai kia thầy khác “diễn”… đã vô tình khiến cho học sinh thấy, cảm nhận sự thiếu chân thực ngay từ chính những người vẫn luôn dạy dỗ mình về tính trung thực. Nguy hại hơn nữa là trong ma trận thật giả lẫn lộn ấy sẽ khiến cho con trẻ mất đi niềm tin vào cuộc sống.
Để rồi, như được “tiếp tay”, lâu dần sẽ hình thành thói quen…, các em hết nói dối người lớn, chối quanh đến quay cóp bài… Nói chuyện quay cóp, gian lận trong thi cử của học sinh – một biểu hiện của sự thiếu trung thực lâu nay đã trở thành chuyện biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Và không chỉ dừng lại ở học sinh, nơi này, nơi kia vẫn có thầy cô che đậy, ép học cho ra… thành tích đã dẫn đến hiện tượng ngồi nhầm lớp. Rồi, có không ít thầy cô giáo cố tình để lộ đề thi, rồi hiện tượng giám thị gợi ý, thậm chí đọc bài giải cho thí sinh chép, dù biết rằng những hành động đó vi phạm nội quy thi cử.
Đành rằng ngành nọ, ngành kia; việc nọ, việc kia vẫn có “diễn”, vẫn có sự thiếu trung thực. Nhưng với ngành Giáo dục, với thầy cô mà “diễn”, mà dối gian lại là điều tối kị. Vì nếu thầy cô mà thiếu trung thực thì còn dạy các học trò trung thực làm sao được? Bài học về tính trung thực, đặc biệt dành cho học sinh vì thế chỉ có giá trị khi được thực hiện trong cuộc sống, là những hành động, việc làm cụ thể.
Nhà giáo dục học Xô Viết Makarenko đúc kết cách đây hơn nửa thế kỷ: “Gương mẫu là cha đẻ của giáo dục”. Ở đâu vắng bóng sự trung thực và thay vào đó bằng sự dối trá, ở đó sẽ có những tổn thương, mất mát và hậu quả khó lường, đặc biệt là ở môi trường giáo dục. Bài học về tính trung thực của người làm thầy, làm cô vì thế luôn luôn được đề cao.
Bình Toàn