08/11/2017 13:13
Chả là, sát vách nhà có lớp dạy thêm, các cô cậu học trò THPT vừa xong giờ học ở trường vội vàng đến lớp học thêm cho kịp. Học cả chiều đói bụng, các cô cậu học trò ăn vội để tiếp tục vào lớp học thêm.
Hỏi chuyện, có cậu còn bảo, xong lớp học thêm này cháu còn tới lớp học thêm khác, 9h tối mới về nên lúc nào cháu cũng thủ sẵn trong cặp ít bánh lương khô, gói mì tôm để ăn sống luôn. Có hôm, mẹ cháu khi đón ở trường mua sẵn hộp xôi, ổ bánh mì để cháu ăn dọc đường cho kịp giờ học… Tối về, cháu mới ăn cơm, mà ăn một mình thôi vì muộn quá cả nhà cháu ăn hết rồi. Nói thực, hôm nào cũng đi học từ sáng đến tối, rồi bao nhiêu là bài vở nữa nên cháu cũng thấy mệt cô à.
Hình ảnh cậu học trò mặc nguyên bộ đồ đồng phục học sinh, dáng vẻ uể oải, ăn vội gói mì tôm sống mỗi chiều và lời tâm tình ấy khiến tôi suy nghĩ.
Nhưng rồi, vô tình xem chương trình Chuyển động 24h của Đài Truyền hình Việt Nam vào tối 2/11 mới thấy, vội vã ăn, vội vã chạy đua với thời gian để theo ca học thêm này đến ca học thêm khác… chẳng phải là chuyện riêng của cậu bé đó mà còn là của nhiều, rất nhiều học sinh khác.
Và chính sự vội vã ấy, áp lực ấy nếu thiếu đi sự chia sẻ, quan tâm sẽ dễ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần lứa tuổi học trò. Nghiên cứu mới nhất với sự tham gia của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, vấn đề sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội ở trẻ em và vị thành niên ở nước ta đang lan rộng và gia tăng.
Áp lực học hành, áp lực thi cử, áp lực từ gia đình, từ nhà trường khiến cho các em ít có thời gian dành cho ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí. Rõ nhất là thiếu ngủ. 6h sáng chuẩn bị đến trường học, trưa mới về; đầu giờ chiều lại đi tiếp đến gần 5h chiều vừa ra khỏi cổng trường lại tất tả lao vào những ca học thêm; 9h tối về nhà vội vàng tắm giặt, ăn uống rồi tiếp tục tự học.
Quỹ thời gian dành cho học tập của học sinh, đặc biệt là bậc THPT chiếm quá nhiều so với tổng thời gian 24 giờ mỗi ngày của mỗi người. Không ít em học sinh vì thế luôn ở trong trạng thái thiếu ngủ và thèm được ngủ. Và không chỉ truyền thông đưa tin mà trên thực tế hình ảnh những học sinh nhỏ tuổi ngồi trên xe máy, tay ôm cha mẹ hững hờ, mắt nhắm tịt ngủ gật gà gật gù; em lớn tuổi hơn chút gục mặt lên bàn nằm ngủ nhưng tay vẫn cầm cuốn sách, cuốn vở… không phải là chuyện hiếm.
Ít có cơ hội, ít có thời gian vui chơi giải trí vì các em phải chạy đua với lịch học ở trường và các ca học thêm, vì phải làm quá nhiều bài tập về nhà… Đã thế, vì điểm kém, vì định hướng nghề nghiệp, vì không đạt thành tích như mong muốn, vì không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình… khiến cho tinh thần các em không thoải mái, dễ cau có, bực bội, mệt mỏi, trầm cảm.
Trong khi đó, sự hỗ trợ, tư vấn cho các em còn thiếu; sự khác biệt trong suy nghĩ giữa các thế hệ, giữa cha mẹ và các em với khoảng cách khá xa nên thiếu đi sự đồng cảm, chia sẻ…
Hệ lụy của áp lực đó, hệ lụy của việc thiếu đi sự quan tâm, hỗ trợ đó là những rối loạn về sức khỏe tâm thần, thậm chí sang chấn tâm lý ở lứa tuổi học trò. Thực tế đã có không ít trường hợp các em ở lứa tuổi học đường đổ bệnh vì học, đổ bệnh vì thiếu đi sự thấu hiểu. Thậm chí, có những em vì những phút giây cùng quẫn đã có những hành động đau lòng, dang dở cả tuổi học trò…
Những hệ lụy, những chuyện đau lòng ấy thực tế vẫn diễn ra và truyền thông nhiều lần lên tiếng nên ai cũng biết, ai cũng chung nỗi niềm đau đáu. Nhưng rồi, ai cũng quan niệm rằng, học để có nghề nghiệp ổn định, để tương lai tươi sáng, để có cuộc sống tốt đẹp hơn, để thoát khỏi tình trạng thấp kém về mặt kinh tế - xã hội… nên vẫn luôn tự gây áp lực cho con trẻ.
Khoa học đã chứng minh, cơ thể có khỏe mạnh, tinh thần có thoải mái thì trí óc mới minh mẫn. Nên một khi quá chăm lo học chữ, mà ít học lễ nghĩa, ít chú ý đến thể chất, tâm lý có thể dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng lên sức khỏe học sinh… thì những mục đích giáo dục cao đẹp như đã nêu ở trên liệu có đạt được?
Nguyên Phúc