01/02/2019 06:21
1. Hàng năm, mỗi dịp Tết đến Xuân về, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh cùng các ban, ngành, đoàn thể lại đi về vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn… để chúc Tết, thăm hỏi và động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang làm nhiệm vụ và sinh sống tại đây.
Mỗi chuyến đi như vậy, ngoài những phần quà xuân bằng hiện vật, còn là tình cảm chân thành, sự quan tâm sâu sắc, lời tri ân vẹn nghĩa vẹn tình mà các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể trao gửi cán bộ, chiến sĩ, các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công… trong dịp Tết đến, Xuân về.
Đã từ rất lâu, việc tổ chức thăm hỏi, chúc Tết và động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc, gia đình chính sách và đồng bào ở biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn trong mỗi dịp Tết cổ truyền đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta nói chung và của Tỉnh ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh ta nói riêng.
Nhiệm vụ ấy mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, là món quà tinh thần đầy ý nghĩa, góp phần đong đầy thêm đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta đã trường tồn từ ngàn xưa đến nay.
Đối với các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu, từng ngày, từng đêm phải đối mặt với hiểm nguy, khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Khi Tết đến, Xuân về, mọi người ở xa đều trở về quây quần, tụ họp bên gia đình trong không khí đón giao thừa ấm áp của gia đình. Vậy mà, vào thời khắc ấy, các anh vẫn phải thực hiện nhiệm vụ của mình, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, cho đất nước vào xuân thanh bình…
Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đã có biết bao người con ưu tú của dân tộc ngã xuống; hàng triệu triệu đồng bào dù đói cơm lạt muối, vẫn sẵn sàng nhường cơm, xẻ áo, nuôi giấu cán bộ cách mạng cho đến ngày thắng lợi cuối cùng…
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta nghiêng mình tri ân những cống hiến to lớn, thầm lặng đó. Bởi vậy, những phần quà tết trong dịp tết đến xuân về, chính là những lời tri ân sâu nặng nghĩa tình dành cho cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi biên giới, hải đảo và những gia đình có công, gia đình chính sách, gia đình đặc biệt khó khăn… nơi biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng.
Tuy chưa có con số thống kê chính thức về số tiền và quà gửi tặng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào trong dịp Tết Kỷ Hợi này, nhưng theo ước tính tổng giá trị các phần quà và tiền lên tới hàng chục tỷ đồng từ ngân sách và qua vận động, đóng góp của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh.
2. Cách đây 4 năm, Tỉnh ủy đã có chủ trương tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh cho đồng bào các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa. Và từ đó đến nay, Ngày hội Bánh chưng xanh đã trở thành hoạt động xã hội thường xuyên ở địa bàn tỉnh ta.
Việc tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh chính là những việc làm cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo trên khu vực biên giới vượt qua khó khăn, cùng hòa nhập vui Xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Để cho Ngày hội Bánh chưng xanh thêm phần long trọng và đủ đầy ý nghĩa, Tết Kỷ Hợi năm 2019 này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ mỗi đồn Biên phòng đứng chân trên 13 xã biên giới 200kg gạo nếp để tổ chức gói bánh chưng xanh cho bà con người dân tộc thiểu số.
Với mục tiêu mọi người dân trên khu vực biên giới đều có Tết, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng giao nhiệm vụ cho mỗi đồn Biên phòng phối hợp với Đảng ủy, chính quyền địa phương chọn một thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn để tổ chức Ngày hội Bánh chưng xanh; các thôn còn lại giao cho các đoàn thể tổ chức.
Trong đêm diễn ra Ngày hội Bánh chưng xanh, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên đảm nhận tổ chức các tiết mục văn nghệ, giao lưu các tiết mục văn hóa dân gian trong đêm liên hoan, để Ngày hội Bánh chưng xanh diễn ra thật sinh động, đầm ấm và vui vẻ.
Để bà con người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn có được một cái Tết sum vầy, các đoàn thể tại xã và Bộ đội Biên phòng sẽ hỗ trợ các thực phẩm như gạo nếp, thịt heo, đậu, hành… và hướng dẫn cho bà con cách tự gói bánh chưng, các loại bánh truyền thống của địa phương. Cũng trong dịp này, Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng tổ chức trao học bổng “Nâng bước em tới trường” cho 76 em học sinh nghèo với số tiền 500.000đ/em/tháng…
Ngoài ra, trong những ngày Tết, hộ gia đình nào không có điều kiện tổ chức ăn Tết, thì Đồn Biên phòng sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động và mời họ đến Đồn Biên phòng cùng đón Tết với cán bộ, chiến sĩ.
Hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 30 năm ngày Biên phòng toàn dân, Bộ đội Biên phòng, Hội Phụ nữ phát động chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” và có 5/13 xã biên giới được các ngành, các cấp đăng ký nhận giúp đỡ cùng đồng hành để tổ chức các mô hình sinh kế, giúp phụ nữ tự lực vươn lên thoát nghèo.
Mới đây Hội Phụ nữ Hà Nội và các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã phối hợp trao cho phụ nữ hai xã Đăk Blô (huyện Đăk Glei) và Mô Rai (huyện Sa Thầy) mỗi xã 50 triệu đồng và một căn nhà “Mái ấm tình thương” trị giá 50 triệu đồng/căn…
Có thể khẳng định, ý nghĩa nhân văn từ Ngày hội Bánh chưng xanh đã làm sâu đậm, lan tỏa thêm tình đoàn kết, sẻ chia, thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền của tỉnh và toàn xã hội đến gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong dịp Tết đến Xuân về.
Bởi, qua ngày hội này đã góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam và khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tương thân, tương ái, chia sẻ những khó khăn đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, giáo dục về tình đoàn kết, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, chung tay giúp nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 thật vui tươi, ấm áp, hướng tới một năm mới an bình, thịnh vượng…
Dương Đức Nhuận