12/07/2018 07:27
Đề cập những vấn đề “nóng”
Tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI, các Ban HĐND tỉnh báo cáo thẩm định các tờ trình của UBND tỉnh; các cơ quan tư pháp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, đánh giá tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Ở các phần nội dung này, theo kết quả báo cáo giám sát của HĐND tỉnh vẫn có những mặt hạn chế dẫn đến số đơn thư vượt cấp, kéo dài nhiều, chưa được sở, ngành tỉnh tham mưu giải quyết tích cực.
Ông Nguyễn Thế Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhận xét, hiệu quả giải quyết những nội dung đề xuất, kiến nghị của nhân dân còn thấp. Công tác xử lý, giải quyết đơn ở một số nơi chưa đảm bảo quy trình, thời gian quy định; nhiều trường hợp chậm ban hành thông báo thụ lý đơn kiến nghị, tố cáo và trình tự thủ tục liên quan vẫn có thiếu sót, có vụ việc không tổ chức đối thoại với người khiếu nại, không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
“Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh còn có biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo. Một số cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thật sự sâu sát cơ sở, chưa nắm chắc tình hình vụ việc khiếu nại, tố cáo. Vấn đề này, HĐND tỉnh sẽ có ý kiến cụ thể” - ông Nguyễn Thế Hải nhấn mạnh.
|
Liên quan đến các vấn đề cử tri bức xúc, bày tỏ trước kỳ họp thứ 6, bà Y Phương - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh ý kiến: Thời gian qua, công tác tuyển sinh đầu vào cấp tiểu học và trung học cơ sở vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, chị A điện thoại phản ánh, gia đình có giấy xác nhận tạm trú, tạm vắng ở tổ 4, phường Quang Trung (thành phố Kon Tum), do công an địa phương xác nhận. Chị A cho rằng, theo quy định của các cấp, gia đình chị có đủ điều kiện để nộp hồ sơ tuyển sinh đầu vào lớp 1 cho con gái tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum. Tuy nhiên, khi phụ huynh đi đăng ký tuyển sinh đầu vào lớp 1 cho cháu tại trường, thì lãnh đạo cơ sở giáo dục này đã từ chối nhận hồ sơ, với lý do trường hợp con của chị A chưa có sự xác nhận bằng chữ ký từ phía Tổ trưởng Tổ dân phố 4 về kiểm tra đúng thực tế đang tạm trú tại đây.
“Vậy trường hợp phản ánh này có đúng không? Mặt khác, Sở GD&ĐT nên có biện pháp xử lý, hoặc tham mưu UBND tỉnh đối với việc chạy trường, chạy lớp cho học sinh không đúng quy định, trong thời gian tới.” - bà Phương nói.
Một số đại biểu ý kiến, hiện nay tình trạng lực lượng Cảnh sát Giao thông, công an ở cấp phường/xã/thị trấn, cấp huyện/thành phố và tỉnh thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra đã yêu cầu người dân dừng các phương tiện tham gia giao thông để kiểm tra ở bất cứ tuyến đường, khu vực nào trên địa bàn tỉnh có đúng không? Đại biểu HĐND tỉnh đề nghị Công an tỉnh trả lời việc này để người dân tránh hiểu lầm, gây bất an xã hội.
Đề xuất điều chỉnh dự thảo nghị quyết, đề án
Đối với việc huy động mọi nguồn lực để đóng góp đẩy nhanh thực hiện, hoàn thành công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, đại biểu Y Thanh (huyện Đăk Glei) bày tỏ quan điểm: Thời gian qua, công tác xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, các ngành tuyên truyền, kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia tích cực. Tuy nhiên, còn nhiều chỉ tiêu ở một số lĩnh vực rất khó có thể huy động bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thực hiện đạt yêu cầu đề ra. Đó là, xã đạt chuẩn có tỷ lệ nhà ở dân cư không dột nát, tạm bợ phải đạt lớn hơn hoặc bằng 75%; tỷ lệ hộ nghèo phải dưới 7% và một số chỉ tiêu khác về môi trường, an ninh trật tự xã hội... Cử tri đề nghị tỉnh quan tâm kêu gọi trung ương, bộ ngành hỗ trợ để các xã vùng sâu có nguồn lực, giảm thấp hơn nữa tỷ lệ đạt chuẩn về từng chỉ số theo bộ tiêu chí đã quy định, sớm hoàn thành kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới đề ra.
Thảo luận tại các tổ, các đại biểu còn ý kiến, đề xuất điều chỉnh dự thảo tờ trình nghị quyết của HĐND tỉnh về Đề án đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu (sâm Ngọc Linh, đảng sâm, đương quy…) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cho phù hợp thực tế triển khai thời gian tới.
Về vấn đề trên, bà Phan Thị Thủy - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) góp ý: Tại nội dung mục tiêu của đề án nêu, đến năm 2020 phát triển khoảng 2.000ha vùng nuôi trồng dược liệu tập trung đối với một số loài dược liệu có giá trị kinh tế và sức tiêu thụ mạnh trên thị trường. Trong đó, có hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống sâm Ngọc Linh.
Theo bà Thủy, hiện tại, địa phương đã có 2 đơn vị sản xuất cây giống cung cấp cho thị trường. Tỉnh nên xem xét lại có tăng số lượng số cơ sở sản xuất giống hoặc dừng lại 2 đơn vị như đề án đưa ra.
“Hiện tại, giá trị hàng hóa của cây đảng sâm cao hơn cây đương quy. Vì thế, các đại biểu cũng cần có sự xem xét, điều chỉnh mức hỗ trợ cao hơn về đầu tư chi phí mua cây giống, chi phí phân bón cho trồng đảng sâm so với đương quy, chứ không theo mức dự kiến chung hỗ trợ 50% cho hộ dân nói chung và hỗ trợ riêng cho hộ nghèo 100% để chi phí mua cây giống cũng như phân bón hữu cơ vi sinh chăm sóc theo chu kỳ đầu tiên trên diện tích tối đa 1.000m2 cho 2 loại dược liệu trên” - bà Thủy đề xuất thêm.
Trên cơ sở các ý kiến, thảo luận đóng góp của các tổ đại biểu, chủ tọa kỳ họp và các thành viên, đơn vị liên quan sẽ tổng hợp phản ánh, đồng thời tiếp thu, có giải trình những vấn đề mà đại biểu nêu. Từ đó, có sự thống nhất các nội dung dự thảo nghị quyết để thông qua vào cuối kỳ họp (ngày 13/7).
Mai Trâm