27/11/2024 09:13
|
Tại Phiên thảo luận này, các ĐBQH tỉnh Phạm Đình Thanh và Tô Văn Tám cùng 20 ĐBQH cả nước phát biểu thảo luận.
Qua nghiên cứu Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2024 Chính phủ trình Quốc hội và các văn bản liên quan, đại biểu Phạm Đình Thanh rất quan tâm đến diễn biến phức tạp của nhiều loại tội phạm trong thời gian qua, nhất là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; tội phạm kinh tế, tham nhũng; tội phạm trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Để góp phần hoàn thiện hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Phạm Đình Thanh đã tham gia một số ý kiến:
Thứ nhất, trước tình hình tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tiếp tục diễn biến phức tạp, với hành vi chủ yếu là tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất với các nhóm giải pháp đã được xác định trong Báo cáo của Chính phủ; đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng; các cấp, các ngành phải thực sự chủ động trong việc theo dõi, phát hiện, ngăn chặn hoạt động lợi dụng không gian mạng chống phá Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, đề nghị Chính phủ phải quan tâm chỉ đạo và yêu cầu các cấp chính quyền tập trung rà soát và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình để giải quyết rốt ráo các vụ tranh chấp, khiếu kiện, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, tôn giáo, dân tộc; không để sơ hở bất lợi để đối tượng xấu có thể lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước.
|
Thứ hai, trong nhiều năm qua công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ và toàn diện hơn; nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn được điều tra, làm rõ, xét xử kịp thời, nghiêm minh cử tri rất đồng tình.
Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Nổi lên là vi phạm về quy hoạch, xây dựng, năng lượng; đấu thầu, mua sắm tài sản công; quản lý, sử dụng đất đai. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy, tội phạm tham ô tài sản tăng 45,61%.
Vấn đề này, cần phải được tổ chức nghiên cứu nghiêm túc để làm rõ nguyên nhân, điều kiện tội phạm; kiểm tra, rà soát chặt chẽ để phát hiện và khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về kinh tế, về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quản lý dự án đầu tư.., để giúp cho việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn đối với loại tội phạm này, trong thời gian tới.
Thứ ba, có một vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay, đó là các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật và tham gia tệ nạn xã hội đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho thấy, tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên thực hiện tiếp tục có chiều hướng gia tăng; tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên tụ tập, sử dụng hung khí, vũ khí “nóng” giải quyết mâu thuẫn, gây rối trật tự công cộng, người dưới 18 tuổi gây án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng diễn biến phức tạp; số người trẻ tuổi sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng; xuất hiện nhiều đường dây mua bán trái phép các loại ma túy hướng đến nhóm đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Trước thực trạng rất đáng lo ngại này, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị, ngoài việc tăng cường và tổ chức thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong báo cáo; cần thiết phải nghiên cứu sâu và đề ra giải pháp tổng thể để huy động toàn xã hội tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhà trường và đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục, quản lý con, em và sự nêu gương của cha mẹ đối với con cái để xây dựng về nhân cách, đạo đức và ý thức chấp hành pháp luật cho các cháu ngay từ lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Phải coi đây là một trong những biện pháp cơ bản, quan trọng nhất của phòng ngừa từ sớm, từ xa đối với các hành vi phạm tội và tệ nạn xã hội trong giới trẻ, phục vụ tốt cho công tác giáo dục, phòng ngừa chung.
Thứ tư, trước yêu cầu ngày càng cao và cấp bách của công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý đối với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; đại biểu Phạm Đình Thanh thống nhất đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm quan tâm chỉ đạo rà soát và có các chính sách phù hợp để hỗ trợ thỏa đáng về nguồn lực và đầu tư, trang bị phương tiện tiên tiến, hiện đại cho các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển đảm bảo đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh, xử lý các loại tội phạm; thống nhất việc sớm xem xét, ban hành quy định về cơ chế bảo vệ lực lượng Công an nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị như đề xuất của Chính phủ trong Báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp này.
|
Đại biểu Tô Văn Tám đã phát biểu tham gia 3 ý kiến về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024; đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; cần đánh giá thêm về vai trò của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý để phát huy vai trò của người dân trong công tác này.
Hồ Nam