16/03/2016 07:29
Bố trí không gian di sản văn hóa dân tộc
Những ngày này, Bảo tàng tỉnh đã đón hơn 20 nghệ nhân ở các địa phương trong tỉnh về tham gia cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên đơn vị để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành những phần việc trang trí, bố trí không gian, sắp xếp và trưng bày 342 hiện vật văn hóa đặc trưng của 6 DTTS trên địa bàn trong khuôn viên 12.000m2 tại đây. Tất cả nhằm đảm bảo phục vụ thành công “Tuần lễ Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên” với các hoạt động: Trưng bày, triển lãm văn hóa Tây Nguyên và sản phẩm của Kon Tum; trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng; tổ chức các trò chơi dân gian... diễn ra tại đây.
|
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy – Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, đơn vị chịu trách nhiệm chuẩn bị cơ sở vật chất, không gian trưng bày và giới thiệu, thực hiện các hoạt động trên. Ở phần trưng bày văn hóa Tây Nguyên với chủ đề: “Không gian Di sản Văn hóa Tây Nguyên - Việt Nam” có sự tham gia của các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, Bảo tàng tỉnh đã bố trí xong không gian trưng bày tại tầng 2 khu nhà mới đón các đoàn tỉnh bạn đưa hiện vật về phục dựng, trang trí, giới thiệu di sản văn hóa đặc trưng địa phương.
|
Riêng phần trưng bày di sản văn hóa của tỉnh, đơn vị đã bố trí, sắp xếp ngay từ cổng chính của Bảo tàng tỉnh và tầng 1, các nghệ nhân dân tộc Xê Đăng phục dựng cổng làng bằng tre nứa và tạc tượng mô phỏng hình ảnh các vị thần linh đứng 2 bên để đón chào khách. Trên các bức tường lớn xung quanh Bảo tàng được trang trí bằng các hình vẽ về con người, muôn thú, biểu tượng đất trời…
|
Ở sảnh chính tầng 1, đón khách sẽ có 2 bức tranh lớn mô tả hoạt động giã gạo của thiếu nữ và người đàn ông Xê Đăng đánh chiêng. Kích thước mỗi bức tranh lớn có chiều ngang 1,4m và dài 2,5m – chất liệu tạo nên bức tranh là những hạt cà phê đặc trưng của tỉnh Kon Tum. Nối tiếp không gian này được bố trí, trưng bày 342 hiện vật tái hiện bản sắc văn hóa của các DTTS tại chỗ (Ba Na, Xê Đăng, Jẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm, Ja Rai).
|
“Đặc biệt, tại tầng 1, Bảo tàng tỉnh đã hoàn thành việc dựng 1 nhà sàn của dân tộc Xê Đăng với diện tích khoảng 30m2 có 1 bếp lửa sinh hoạt gia đình, có nơi đựng các vật dụng đi nương rẫy. Cũng tại nhà sàn này, những ngày diễn ra hoạt động trưng bày – triển lãm tuần lễ văn hóa dân gian, đơn vị có mời các nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú của các DTTS tỉnh tham gia hát kể sử thi, tái hiện cuộc sống văn hóa tinh thần bên bếp lửa nhà sàn. Còn ngoài trời, đơn vị tổ chức cho các nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan lát và làm nghề gốm thủ công; có đặt các dụng cụ trò chơi dân gian như đẩy gậy, đi cà kheo, cây đu… tại chỗ cho khách tham quan thưởng thức” - bà Thủy giới thiệu.
Bà Thủy còn cho biết thêm, trong phần nội dung “Trưng bày, triển lãm tranh, ảnh và văn hóa Tây Nguyên” (từ quá khứ đến hiện tại) sẽ có 120 tác phẩm liên nghệ thuật liên quan, cũng như 50 ảnh tư liệu dân tộc học về các dân tộc Tây Nguyên được in 2 mặt trắng đen với các tấm ảnh khổ lớn chiều ngang 50m – chiều rộng 70m, do 1 tác giả người Pháp thực hiện và được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam giới thiệu đến khách tham quan tại đây.
Sẵn sàng cho ngày hội
Trong chuỗi các hoạt động, thành phố Kon Tum được chọn làm nơi khai mạc và bế mạc Liên hoan Nghệ thuật dân gian Tây Nguyên (đều tổ chức tại nhà Rông văn hóa Kon Klor, phường Thắng Lợi vào tối ngày 18/3 và 20/3), dự kiến thu hút 2.000 nghệ nhân, diễn viên chuyên - không chuyên; khách mời và các tầng lớp tham gia trực tiếp hơn 10 ngàn người. Trong khuôn khổ những ngày văn hóa, địa điểm trên còn được chọn để tổ chức liên hoan tạc tượng gỗ dân gian, chế tác nhạc cụ dân tộc; giao lưu trình diễn cồng chiêng.
Trên địa bàn thành phố Kon Tum còn có Lễ hội đường phố (Carnaval đường phố) – “Sắc màu văn hóa Tây Nguyên” diễn ra trên các tuyến phố chính nội thành Kon Tum; Liên hoan ẩm thực các DTTS và Hội nghị đánh giá 10 năm thực hiện chương trình hành động quốc gia bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tổ chức ở Khách sạn Đông Dương; khởi động các tour du lịch tham quan các địa danh lịch sử, di tích và các làng văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố kết nối huyện Kon Plông – Ngọc Hồi…
Lãnh đạo thành phố Kon Tum cho biết, để đảm bảo cho các hoạt động trên, các phòng, ban và đơn vị đã bàn giao mặt bằng nhà rông Kon Klor cho Sở VHTT&DL và chỉ đạo UBND phường Thắng Lợi, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị phối hợp tổng dọn vệ sinh, bố trí nhà vệ sinh công cộng; hỗ trợ lực lượng dàn dựng sân khấu, trang trí bên trong và ngoài nhà rông, khuôn viên xung quanh sân nhà Rông. Đồng thời, các cơ quan chức năng thành phố thực hiện ngay công tác an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, điện thắp sáng và các điều kiện khác trước, trong và sau những ngày diễn ra các lễ hội.
Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc Sở VHTT&DL, Công ty THHH MTV Môi trường đô thị, thành phố Kon Tum đã cơ bản hoàn tất các công việc: vệ sinh môi trường, trang trí các loại băng rôn, khẩu hiệu, cờ hoa, thắp sáng các loại điện hoa; thực hiện thông tin tuyên truyền cho người dân biết các hoạt động có ý nghĩa để cùng tham gia trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đáng quan tâm, thành phố đã chỉ đạo ra quân trong việc lập lại trật tự, đảm bảo đường thông – vỉa hè thông thoáng dành cho người đi bộ; thực hiện xong công việc tháo, gỡ các băng rôn, khẩu hiệu quảng cáo treo, dán mất thẩm mỹ, không đúng quy định, nhất là các tuyến đường sẽ diễn ra hoạt động đường phố, thu hút lượng đông khách du lịch, tham quan.
Tại các lễ hội diễn ra trên địa bàn thành phố Kon Tum, UBND thành phố cũng đã huy động 21 đoàn nghệ nhân và bà con DTTS ở các xã, phường tham gia tập luyện, góp phần tổ hợp trình diễn nhạc cụ dân tộc liên quan. Mặt khác, trong tuần lễ hội sẽ thu hút lượng khách đến lưu trú và tham quan tính đến hàng chục ngàn lượt khách, nên công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo trật tự xã hội cũng được thành phố bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh thực hiện hướng dẫn, giám sát hoạt động niêm yết giá, kinh doanh tại các cơ sở thương mại dịch vụ có kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí, nhà nghỉ, khách sạn…
Theo đánh giá của Ban tổ chức, đến thời điểm này, các tiểu ban đảm nhận những phần việc liên quan đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, đảm bảo cho các sự kiện đón chào đại biểu, du khách đến với không gian gặp gỡ, giao lưu văn hóa và quảng bá các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh.
Mai Trâm