15/06/2018 11:00
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao đã sửa đổi, bổ sung 28 điều, bãi bỏ 1 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Tại phiên làm việc này, đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum - Tô Văn Tám và 20 đại biểu Quốc hội khác đã phát biểu thảo luận; 8 đại biểu phát biểu tranh luận đối với các nội dung về việc chính quy công an xã, thị trấn; về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ sĩ quan công an nhân dân; tiêu chí định tính Cục đặc biệt và tương đương; về giải thích một số khái niệm, từ ngữ; phân loại cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của công an nhân dân; về thẩm quyền của Thủ tướng bổ nhiệm Cục trưởng Cục đặc biệt, về việc thành lập các đồn, trạm công an; về công nghiệp an ninh; Về tuổi nghỉ hưu, chế độ, chính sách đối với công an nhân dân; trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành đối với công an nhân dân.
|
Đại biểu Tô Văn Tám đã tham gia 5 ý kiến vào dự thảo luật về vấn đề công an xã; về quy định chức vụ có bậc hàm cao nhất là cấp tướng; về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức; về phạm vi điều chỉnh;…
Đại biểu Tô Văn Tám tán thành với báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Bộ Công an được sớm triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết 18 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 22 năm 2018 của Bộ Chính trị. Bộ Công an cũng đã linh hoạt và đi đầu trong việc tích hợp Pháp lệnh Công an xã vào Luật Công an nhân dân mà không đề nghị ban hành Luật Công an xã riêng.
Về vấn đề công an xã, chúng ta biết rằng Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy công an tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, có nội dung xác định là bố trí lực lượng công an xã chính quy. Hiến pháp năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong những trường hợp đặc biệt, hoạt động công an xã có liên quan trực tiếp đến đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Mặt khác, các luật chuyên ngành như Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đặc xá, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ công cụ hỗ trợ... đều có quy định mới về nhiệm vụ quyền hạn của công an xã.
Với góc độ thực tiễn tình hình an ninh chính trị ở cơ sở đang có nhiều vấn đề phức tạp, nhất là an ninh nông thôn, các loại tội phạm có xu hướng gia tăng ngày càng tinh vi; vấn đề an ninh dân tộc, an ninh tôn giáo và hành vi vi phạm pháp luật khác đang có những vấn đề phức tạp; mặc dù lực lượng công an xã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả đáng ghi nhận tuy nhiên lực lượng công an xã chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ nên hiệu quả công tác còn những hạn chế.
Từ những cơ sở trên đại biểu Tô Văn Tám thấy rằng việc xây dựng lực lượng công an xã, thị trấn chính quy như dự thảo là cần thiết và phù hợp với quan điểm của Đảng, Hiến pháp 2013, các luật chuyên ngành và thực tiễn cơ sở hiện nay. Tuy nhiên, khi quy định công an xã là lực lượng chính quy dự thảo cần bổ sung một điều những quy định có tính nguyên tắc làm cơ sở cho Chính phủ cụ thể việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy.
Về quy định chức vụ có bậc hàm cao nhất là cấp tướng, Luật Công an nhân dân hiện hành sửa đổi năm 2014 cũng với Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam quy định về chức vụ có bậc hàm cao nhất là cấp tướng tương thích với Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam. Điều này phù hợp với điều kiện cơ cấu, tổ chức của công an nhân dân khi chưa tinh gọn, nay Bộ Công an thực hiện đề án đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, theo đó Bộ Công an không tổ chức cấp tổng cục, các đơn vị cấp cục được củng cố, nâng cao chất lượng. Có nhiều cục được thành lập trên cơ sở hợp nhất nhiều cục...
Mặt khác, quan điểm của Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng có xác định cơ chế chính sách phù hợp đối với người chịu tác động trực tiếp trong qua trình sắp xếp. Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị có chủ trương đặc biệt quan tâm đề xuất và thực hiện áp dụng cơ chế chính sách phù hợp với người chịu tác động trực tiếp từ quá trình sắp xếp. Bởi vậy, quy định về vị trí chức vụ có bậc hàm cao nhất là cấp tướng tại khoản 1 Điều 26 như dự thảo là phù hợp.
Về thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức tại Điều 27 dự thảo. Khoản 2 điều này quy định "Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an, Cục trưởng Cục đặc biệt", đại biểu Tô Văn Tám thấy rằng theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức Chính phủ thì Thủ tướng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức vụ Thứ trưởng và tương đương. Luật Công an nhân dân hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm các chức vụ Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh; Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm các chức vụ còn lại. Nay tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an được sắp xếp tinh gọn. Bộ Công an không còn tổng cục, bộ tư lệnh và chế độ chính ủy.
Mặc khác, theo phân cấp quản lý cán bộ hiện hành tại Quyết định 105/2017 của Ban Chấp hành Trung ương thì Ban Bí thư quản lý thứ trưởng và như thế Bộ Công an chỉ còn lại chức vụ Thứ trưởng thuộc diện quản lý của Ban bí thư. Do vậy, dự thảo nên quy định theo hướng Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an và nâng lương cấp bậc hàm đại tướng, thượng tướng. Còn thẩm quyền bổ nhiệm Cục đặc biệt nên giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, như thế phù hợp với phân cấp cán bộ và Luật Tổ chức Chính phủ 2015 và Hiến pháp 2013. Đề nghị bổ sung thêm những tiêu chí cơ bản của Cục Đặc biệt để khi chúng ta tiến hành thành lập Cục Đặc biệt sẽ thuận lợi hơn.
Về phạm vi điều chỉnh. Điều 1 dự thảo quy định "luật này quy định về nguyên tắc tổ chức hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an nhân dân". Tuy nhiên, trong toàn bộ các quy định của dự thảo, luật không có các điều khoản nào nói về nguyên tắc tổ chức, hoạt động của công an nhân dân. Nếu quy định như vậy thì cần bổ sung thêm một điều quy định về nguyên tắc chung cơ bản về tổ chức hoạt động cũng như chức năng, nhiệm vụ của công an nhân dân hoặc có thể bỏ cụm từ "nguyên tắc". Nếu ta bỏ cụm từ "nguyên tắc" thì phạm vi điều chỉnh là "quy định tổ chức, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của công an nhân dân".
Về công nghiệp an ninh. Công nghiệp quốc phòng, an ninh đã được quy định trong Hiến pháp. Công nghiệp quốc phòng, an ninh là một bộ phận của công nghiệp quốc gia. Hiện tại, về khung pháp lý cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh chúng ta chưa có luật về công nghiệp quốc phòng mà mới có các văn bản dưới luật. Việc tạo khung pháp lý cao nhất cho công nghiệp quốc phòng, an ninh nói chung và công nghiệp an ninh nói riêng là cần thiết. Mặc dù hằng năm lực lượng công an đã được nhà nước đầu tư nguồn kinh phí khá lớn để mua sắm phương tiện, trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trong đó chủ yếu là nhập khẩu nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác nghiệp vụ của ngành công an. Thực tiễn đặt ra và đòi hỏi sự chủ động trong việc cung cấp trang thiết bị, vũ khí, công cụ hỗ trợ đảm bảo thực thi tốt nhiệm vụ của lực lượng công an. Bởi vậy, việc quy định về công nghiệp an ninh trong dự thảo luật là cần thiết trong điều kiện chúng ta chưa có luật về công nghiệp quốc phòng để tạo cơ sở pháp lý trong đầu tư xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh bền vững, đáp ứng yêu cầu của lực lượng công an, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước trong nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị nghiệp vụ cho lực lượng công an. Quy định như vậy cũng phù hợp Hiến pháp và tiết kiệm ngân sách nhà nước.
Hồ Nam