27/05/2018 07:31
Đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với các nội dung và đánh giá trong báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Kiểm toán nhà nước.
Các đại biểu đều đánh năm 2017 là năm thành công khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 8/13 chỉ tiêu vượt kế hoạch và tăng thêm 3 chỉ tiêu so với số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Đặc biệt tốc độ tăng trưởng kinh tế đã ấn tượng đạt 6,81% vượt mục tiêu kế hoạch đã đề ra 6,7% cao nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.
Nhiều lĩnh vực thế mạnh đã tăng trưởng khá và đóng góp vào sự phát triển chung như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, xuất khẩu, chế biến và chế tạo…
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng phân tích và làm rõ thêm những khó khăn, tồn tại như: tăng trưởng kinh tế chưa thực sự vững chắc, chuyển đổi mô hình kinh tế đã có chuyển biến song chưa thật rõ nét, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, độ mở của nền kinh tế rất lớn cần được kiểm soát trong điều kiện xuất hiện tình trạng bảo hộ kinh tế của một số quốc gia.
Kinh tế vĩ mô ổn định song chưa thực sự vững chắc, môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ.
Công tác quản lý tài sản công, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo, việc sử dụng tài nguyên, đất đai còn nhiều lãng phí. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm, nợ đọng xây dựng cơ bản còn xảy ra….
|
Đại biểu Quốc hội A Pớt phát biểu tham gia thảo luận với 4 kiến.
Theo đại biểu, Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ đã đánh giá toàn diện bức tranh kinh tế của đất nước với những kết quả ấn tượng, được dư luận và cư tri đánh giá cao. Tăng trưởng GDP quý I năm 2018 đạt 7,38% cao nhất trong 10 năm qua. Nông nghiệp được mùa tăng 4,05%. Do kinh tế phát triển và các ngành, các cấp thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều biện pháp quyết liệt dưới sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, đời sống của nhân dân nói chung, cư dân vùng nông thôn, miền núi Tây Nguyên nói riêng được đảm bảo cải thiện. Điều đó đã chứng minh cho sự nỗ lực lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong năm 2017 và những tháng đầu của năm 2018.
Tuy nhiên, thành quả kinh tế đó chưa được phân bổ hợp lý đến các vùng, các giai tầng và các đối tượng xã hội nên có sự chênh lệch về mức sống, về mọi mặt giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, hải đảo.
Như nhận định của Chính phủ, đời sống của một bộ phận nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Đây là một nhận định đúng và thẳng thắn, cần nhìn nhận với góc độ các yếu tố tác động.
Trong đó, đáng chú ý là yếu tố về năng suất lao động và yếu tố tác động của quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của vùng miền núi và Tây Nguyên. Năng suất lao động của cả nước hiện nay còn thấp, chỉ bằng 1/3 Indonesia và bằng 1/2 Thái Lan. Năng suất lao động của miền núi, Tây Nguyên chỉ bằng 47,5 mức trung bình của cả nước, năng suất lao động thấp, vùng này lại chủ yếu là thuần nông nên thu nhập thấp và như thế đời sống sẽ khó khăn.
Có nhiều nguyên nhân cho năng suất lao động thấp, trong đó có nguyên nhân cơ bản là nguồn lực qua đào tạo tay nghề có tỷ lệ thấp nên chất lượng lao động thấp. Đây là trở ngại, thách thức lớn đối với vùng miền núi, Tây Nguyên.
Chính phủ đã có nhiều biện pháp và bố trí nhiều nguồn lực cho công tác đào tạo nghề ở vùng miền núi, Tây Nguyên và đã đạt được những kết quả khả quan. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng nghề được nâng lên. Tuy nhiên, chất lượng của tay nghề đang là vấn đề đặt ra và một thực trạng là lao động đã qua đào tạo nghề, nhưng để chuyển đổi nghề và sống bằng nghề hay sử dụng nghề để nâng cao thu nhập thì phần nhiều chưa thực hiện được.
Mặt khác, khu vực miền núi và Tây Nguyên là nơi công nghiệp chưa phát triển, các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào đây không nhiều nên áp lực việc làm, lao động cho nông thôn càng là vấn đề bức bách.
Bởi vậy đề nghị Chính phủ cho tổng rà soát công tác dạy nghề đối với miền núi và Tây Nguyên, đánh giá tổng kết để bổ sung, sửa đổi, xây dựng hoặc ban hành đề án mới, chính sách mới để đào tạo nghề cho sát thực và hiệu quả hơn cho vùng miền núi và Tây Nguyên. Đồng thời có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào vùng này.
Dưới góc độ là yếu tố tác động của quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền núi, Tây Nguyên, không thể phủ nhận kết quả tích cực của các dự án kinh tế - xã hội đối với vùng miền núi và Tây Nguyên, nhưng còn có những hạn chế, những tác động không mong muốn như việc đền bù, tái định canh, định cư cho người dân ở các dự án phát triển kinh tế.
Về tổng quan thì việc này đã thực hiện và đạt nhiều kết quả theo tinh thần bằng hoặc tốt hơn ở nơi cũ. Tuy nhiên, vẫn còn một số nơi, một số việc còn nhiều bức xúc, bất cập và chưa được tốt hơn ở nơi cũ.
Điều đáng quan tâm là việc khắc phục và giải quyết những bức xúc, bất cập đó của cơ quan, tổ chức hữu quan chưa kịp thời, có nơi còn kéo dài làm cho người dân bức xúc và ảnh hưởng đến sinh nhai của người dân.
Đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ, kịp thời để sớm khắc phục những bất cập tồn tại trong công tác đền bù, tái định canh, định cư ở các công trình, dự án kinh tế - xã hội ở vùng núi, vùng Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Kon Tum luôn được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình xây dựng kinh tế ổn định và phát triển. Nhiều chương trình, dự án được tích cực triển khai và đem lại nhiều kết quả to lớn, đời sống mọi mặt của người dân Kon Tum ngày càng được cải thiện. Nhưng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện cũng vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần được sớm khắc phục, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần quan tâm.
Thứ nhất, Chính phủ, Bộ Công thương chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định canh, định cư của dự án thủy điện Đăk Đrinh xã Đăk Nên, huyện Kon Plông của tỉnh Kon Tum để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Thứ hai, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công, do vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng nên trong quy hoạch vốn năm 2016 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, tỉnh Kon Tum có hai dự án chưa giải ngân hết vốn, để tạo điều kiện cho địa phương có nguồn tiếp tục triển khai dự án đúng tiến độ, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép địa phương kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2018 đối với số vốn còn tồn của các dự án trên.
Thứ ba, về phân bổ kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hiện nay việc hướng dẫn phân bổ kế hoạch, vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 8759 ngày 25/10/2017 và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tại Văn bản số 757 ngày 1/3/2018, địa phương rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện, do đó đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, có văn bản hướng dẫn cụ thể để địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.
Hồ Nam