06/08/2018 13:41
Dự hội nghị còn có đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương; 500 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Thị Nga - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố Kon Tum và các xã, phường, thị trấn.
|
Tại hội nghị, đại diện Bộ LĐ-TB&XH báo cáo, đến cuối năm 2017, cả nước có gần 26,3 triệu trẻ em. Từ năm 2017 đến tháng 6/2018, có gần 2.720 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%.
Đáng báo động, trong số các vụ trẻ em bị xâm hại, có đến 110 trường hợp bị xâm hại tình dục, bạo lực. Đối với các vụ việc này, Bộ đều có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm, hỗ trợ để 100% số trẻ em bị bạo lực, xâm hại được can thiệp, được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục - đào tạo, sử dụng các dịch vụ trợ giúp pháp lý về bảo vệ trẻ em. Đồng thời, lãnh đạo Bộ cũng trao đổi với thủ trưởng các bộ, ngành liên quan để chỉ đạo ngành dọc trong công tác đôn đốc, xử lý nghiêm minh các cá nhân, tập thể gây ra những hành vi bạo hành, xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên, hạn chế hiện nay, công tác phối hợp giữa một số bộ ngành ở trung ương, đến sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của địa phương chưa thường xuyên, tích cực. Việc xử lý vi phạm quyền trẻ em, vi phạm xâm hại trẻ em chưa được ngành chức năng xử lý kịp thời, nghiêm minh, chưa có tác động phòng ngừa, răn đe đối tượng vi phạm. Hệ thống nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về trẻ em ở các cấp còn thiếu về số lượng và kiêm nhiệm quá nhiều việc, dẫn đến công tác bảo vệ trẻ em các cấp thực hiện chưa kịp thời, đầy đủ các hoạt động hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo quy định của pháp luật.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất giải pháp thời gian tới, các bộ, ngành trung ương và tỉnh, thành phố sớm khắc phục hạn chế trên, đồng thời tiếp tục rà soát, tham mưu Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Đối với toàn xã hội, sở, ngành cần tăng cường truyền thông, giáo dục về bảo vệ trẻ em, giữa 3 môi trường gia đình - nhà trường - xã hội; thúc đẩy phòng trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em” đến từng địa bàn dân cư; tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật về trẻ em, giáo dục kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án xâm hại trẻ em...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu bộ, ngành trung ương và tổ chức mặt trận, đoàn thể, các địa phương phải tăng cường trách nhiệm, quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo vệ trẻ em, nhất là quan tâm bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em ở gia đình, khu dân cư. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên bảo vệ trẻ em cấp xã, phường, trị trấn và hệ thống bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại cơ sở. Các cơ quan thực thi pháp luật phải nâng cao trách nhiệm, kiên quyết xử lý nghiêm minh, không để kéo dài những vụ việc, đối tượng có hành vi vi phạm xâm hại trẻ em.
Đối với ngành GD&ĐT tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em. Các ngành chức năng khác cùng vào cuộc tổ chức tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, văn hóa, đạo đức lối sống lành mạnh và quan tâm đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em...; tham mưu bộ ngành, Chính phủ tuyên dương, động viên kịp thời tập thể, cá nhân làm tốt công tác tố giác, xử lý kịp thời những vụ việc xâm hại trẻ ở địa phương...
Tin, ảnh: Mai Trâm