Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI: "Nóng" chuyện cây giống sâm Ngọc Linh

13/07/2018 08:32

Ngày 12/7, tiếp tục thảo luận tại tổ và thảo luận tại hội trường, có khoảng 40 ý kiến của các đại biểu tham gia đóng góp vào các văn bản của UBND tỉnh trình tại kỳ họp; trong đó có 15 ý kiến đề cập dự thảo Nghị quyết về Đề án đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Đại biểu Võ Ngọc Trung nhận xét, theo như dự thảo Nghị quyết về Đề án đầu tư, phát triển, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, hiện trạng ở địa bàn Tu Mơ Rông có 326ha sâm Ngọc Linh, đến năm 2020 phát triển đạt 1.000ha. Đặc biệt, đến năm 2030, diện tích mở rộng khá lớn 10.000ha sâm, bao gồm địa bàn Đăk Glei 4.000ha, Tu Mơ Rông 6.000ha. Tuy nhiên, trong phần nội dung giải pháp để thực hiện mục tiêu này, chưa làm rõ giống sâm Ngọc Linh lấy đâu ra để cung ứng cho người trồng?

Tương tự, tại 4 tổ thảo luận, đại biểu huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Sa Thầy băn khoăn về mức hỗ trợ mà dự thảo Nghị quyết đề ra: Hiện tại, chi phí đầu tư hỗ trợ cây giống trồng 1ha sâm Ngọc Linh khoảng 8 tỉ đồng, nhưng dự thảo đề án chỉ phân tích chi phí đầu tư trồng 1ha sâm Ngọc Linh là 4 tỉ đồng. Vậy đề nghị UBND tỉnh làm rõ đâu là con số chính xác, tránh để dự án trên có sự chệch choạc khi triển khai thực tế?

Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XI

 

Trước ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn đã tiếp thu, giải trình: Trong dự thảo đề án có tính toán chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư có vườn giống để sản xuất giống sâm Ngọc Linh và liên kết với người dân trồng, với mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha; diện tích hỗ trợ không quá 10ha/nhà đầu tư. Số lượng giống sâm Ngọc Linh thương phẩm được nhà đầu tư hỗ trợ lại là 500 cây/ha, mỗi hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ một lần không quá 100 cây giống sâm Ngọc Linh thương phẩm.

Theo tính toán tại thời điểm xây dựng dự thảo Đề án (khoảng giữa năm 2017-PV), giá thành để sản xuất giống cây con sâm Ngọc Linh do doanh nghiêp tự thực hiện khoảng 100.000 đồng/cây (trồng 1ha khoảng 40.000 cây X đơn giá 100.000 đồng/cây), tương ứng với 4 tỷ đồng/ha.

“Tại thời điểm này có sự chênh lệch, khác nhau về chi phí hỗ trợ đầu tư giống cây dược liệu, từ 4 tỷ tăng lên 8 tỷ đồng, thì ngân sách địa phương không có khả năng đủ nguồn để thực hiện. Đối với vấn đề này, UBND tỉnh trình kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh xem xét” - đồng chí Lê Ngọc Tuấn nói.

Riêng ý kiến đại biểu lo lắng về nhà đầu tư có vườn giống để sản xuất giống sâm Ngọc Linh đảm bảo nguồn gen cung ứng cho người trồng ở địa bàn huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, theo dự thảo đề án, trước mắt và đến năm 2020, hình thành 1 cơ sở sản xuất giống dược liệu tại huyện Kon Plông. Đồng thời, tỉnh sẽ duy trì công tác nghiên cứu, sản xuất giống dược liệu tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; phát triển 2 vườn ươm giống sâm Ngọc Linh trên cơ sở vườn giống hiện có của doanh nghiệp. Đến năm 2020, cung ứng 50% và đến năm 2030, phấn đấu đạt 100% nhu cầu giống các loại dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, phấn đấu sớm hình thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển dược liệu quốc gia tại tỉnh Kon Tum.

Mai Trâm

Chuyên mục khác