06/09/2018 15:24
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, gồm: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Đăk Nông; các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về phía tỉnh Kon Tum, có các đồng chí: Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Hòa- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; A Pớt- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh.
|
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Kon Tum là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về rừng, đất lâm nghiệp và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho việc phát triển các loài dược liệu tự nhiên, trong đó có nhiều loài quý, hiếm. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để tổ chức triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển trong thời gian qua cho thấy, ngành dược liệu của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị tạo ra chưa nhiều. Việc đầu tư phát triển, chế biến và sử dụng dược liệu còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, chưa hiệu quả; tình hình khai thác, buôn bán dược liệu tự nhiên chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến một số dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt; nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ cho việc phát triển dược liệu còn hạn chế; chưa có chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển ngành dược liệu; chưa có sự liên kết chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu; công tác xây dựng và quảng bá thương hiệu dược liệu của tỉnh còn yếu kém.
|
Để triển khai hiệu quả Đề án, tỉnh Kon Tum đang yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển sản phẩm dược liệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng tin tưởng rằng, với các giải pháp cụ thể, quyết liệt, đồng bộ, nhiệm vụ phát triển dược liệu của Chính phủ nói chung và của địa phương nói riêng sẽ gặt hái được thành công, thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyên nghiệp hóa và gia tăng giá trị sản phẩm, gia tăng lợi ích cộng đồng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả; tạo "làn gió mới" và tiến đến tự sản xuất, cung cấp dược liệu trong nước và xuất khẩu quốc tế.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum, đến nay trên địa bàn tỉnh đã trồng được trên 500ha sâm Ngọc Linh (bao gồm cả vườn giống); các doanh nghiệp đang trong giai đoạn đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến để cho ra đời những sản phẩm sâm Ngọc Linh thương mại đầu tiên, khắc phục tình trạng tiêu thụ sâm Ngọc Linh dưới dạng sâm củ, nhằm tạo giá trị gia tăng cao cho ngành dược liệu và tiếp cận thị trường quốc tế.
Thông qua hội nghị này, tỉnh Kon Tum khẳng định sâm Ngọc Linh hiện chưa được đưa ra thị trường để tiêu thụ, tỉnh đang triển khai đăng ký nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Ngọc Linh Kon Tum" để tiến tới giao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho Hội Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Những sản phẩm dán nhãn hiệu chứng nhận "Sâm Ngọc Linh Kon Tum" sẽ chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ được trồng từ vườn sâm gốc, đảm bảo cho việc xây dựng vững chắc thương hiệu sâm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn thông tin.
Ngoài sâm Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum còn có nguồn tài nguyên dược liệu rất phong phú và đa dạng, với hơn 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, thuộc 549 chi, 191 họ của 6 ngành thực vật khác nhau. Trong đó có 35 loài, thuộc 27 họ thực vật thuộc diện quý hiếm cần được bảo tồn.
|
Qua công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát triển, tỉnh Kon Tum định hình và phát triển 4 khu vực nuôi trồng, nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển cây dược liệu thế mạnh của tỉnh như: Đảng sâm, đương quy, ngũ vị tử, sa nhân tím, giảo cổ lam, lan kim tuyến,...
Đến nay, tỉnh cũng đã thu hút được 17 dự án đầu tư phát triển dược liệu với tổng vốn đầu tư 11.229 tỷ đồng trên quy mô 7.800ha. Ngay trước khi diễn ra Hội nghị này, tỉnh cũng đã trao Quyết định đầu tư, chủ trương khảo sát tìm hiểu cơ hội đầu tư cho nhiều dự án với tổng vốn đăng ký trên 12.000 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án chiến lược của các nhà đầu tư lớn, kỳ vọng sẽ đưa các sản phẩm có chất lượng và sức cạnh tranh tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Về định hướng phát triển dược liệu trong thời gian tới, tỉnh Kon Tum phấn đấu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia vào năm 2030 với diện tích vùng trồng dược liệu đạt 25.000ha, trong đó có 10.000ha sâm Ngọc Linh. Mỗi năm ngành dược liệu đóng góp khoảng 10% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh...
Tỉnh Kon Tum cam kết sẽ thực thi đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư tối đa của Chính phủ, đồng thời ban hành chính sách đặc thù để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong, ngoài tỉnh đầu tư phát triển dược liệu, như: hỗ trợ giống dược liệu chủ lực; miễn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích trồng dược liệu; giao rừng, cho thuê rừng để quản lý, bảo vệ và kết hợp phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác dưới tán rừng...
Xây dựng các chuỗi liên kết từ khâu trồng, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ dược liệu trong nước; tăng cường công tác bảo vệ nguồn gen và sâm gốc, đấu tranh ngăn chặn nạn mua bán sâm giả, sâm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
UBND tỉnh Kon Tum kiến nghị cần có sự thống nhất quan điểm trong phát triển sản phẩm quốc gia sâm Ngọc Linh, đó là chỉ phát triển được ở vùng lập địa núi Ngọc Linh do đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum, đồng thời là cây dược liệu có tính đặc hữu hẹp, chỉ phát triển được ở vùng lập địa núi Ngọc Linh; hình thành Trung tâm nghiên cứu dược liệu mang tầm quốc gia đặt tại tỉnh Kon Tum để thực hiện công tác nghiên cứu, bảo tồn các dược liệu quý hiếm, chuyển giao khoa học công nghệ và nghiên cứu sản xuất các sản phẩm từ dược liệu.
Đặc biệt, cần sự hỗ trợ từ Trung ương để hình thành Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung với quy mô lớn để tiêu thụ nguyên liệu, sản xuất các sản phẩm có chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Tại hội nghị, đã có nhiều báo cáo tham luận của các bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp, nhà khoa học được trình bày. Trong đó, đều khẳng định, sâm Ngọc Linh là loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu của Kon Tum và Quảng Nam; đánh giá cao tiềm năng, lợi thế phát triển dược liệu của Kon Tum; làm rõ những tồn tại, bất cập cũng như đề xuất những giải pháp mà tỉnh Kon Tum cần quan tâm để đưa Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự chuẩn bị cho hội nghị một cách chu đáo, ấn tượng và hiệu quả của tỉnh Kon Tum; đó là yếu tố quan trọng đem lại thành công cho hội nghị.
Thủ tướng biểu dương những kết quả mà Kon Tum đạt được trong bảo tồn, nghiên cứu và thu hút đầu tư trong lĩnh vực phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, trong thời gian tới, địa phương phải có nhiều giải pháp để phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu và đem lại lợi ích cho nhân dân, để sâm Ngọc Linh xứng đáng là "quốc kế dân sinh", trong đó phải bảo tồn, giữ gìn sự quý hiếm thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn giống đưa vào trồng cũng như đầu ra sản phẩm; tạo ra nhiều sản phẩm từ sâm và giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách.
Các bộ ngành Trung ương cần khẩn trương hoàn thiện các chính sách liên quan nhằm tạo thuận lợi cho địa phương trong phát triển dược liệu, trong đó có chính sách về sử dụng rừng và đất rừng để nuôi trồng dược liệu; chính sách về thuế, về hỗ trợ vốn, giống...
Thủ tướng đồng ý để tỉnh Kon Tum nghiên cứu lập đề án hình thành Khu công nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu tập trung với quy mô lớn, và giao cho các bộ, ngành liên quan hỗ trợ Kon Tum trong quá trình lập đề án.
Tin và ảnh: Thành Hưng