Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh trong tuần làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV

28/10/2016 14:19

Trong tuần làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV (từ ngày 24 - 28/10), tại các phiên họp và thảo luận, các đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã có 14 ý kiến tham gia đối với các nội dung thảo luận.
Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám phát biểu ý kiến tham gia các nội dung thảo luận tại hội trường. Ảnh: QV

 

Đối với dự án Luật về hội:

Tán thành phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật quy định về lập hội; tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ trong nước (quỹ) và tổ chức phi chính phủ nước ngoài đăng ký và hoạt động tại Việt Nam; đề nghị bổ sung những quy định về thực hiện quyền lập hội của công dân Việt Nam ở nước ngoài khi tham gia vào quyền lập hội ở Việt Nam.

Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể… là những tổ chức chính trị xã hội có vai trò và ý nghĩa to lớn trong lịch sử cách mạng nước ta trong quá trình vận động giành chính quyền, trong đấu tranh giữ và bảo vệ chính quyền và trong xây dựng chính quyền vững mạnh hiện nay; do đó, các tổ chức này cần có địa vị pháp lý khác biệt, nên việc không áp dụng trong luật này phù hợp.

Thống nhất quy định cán bộ công chức và những người trong lực lượng vũ trang, những cán bộ công chức làm việc trong lực lượng vũ trang liên quan đến bí mật Nhà nước sau khi nghỉ hưu phải bị những hạn chế nhất định trong việc thực hiện quyền lập hội; đề nghị làm rõ thêm nội hàm việc quy định các trường hợp bị hạn chế quyền lập hội đối với đối tượng là Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài.

Đồng thời, đề nghị không quy định điều kiện sức khỏe và uy tín đối với sáng lập viên thành lập hội; về thời gian để một hội từ lúc đăng ký đến lúc chính thức đi vào hoạt động theo quy định tại dự thảo luật 180 ngày là dài, chưa phù hợp với tinh thần cải cách hành chính hiện nay, vì vậy đề nghị xem xét lại theo hướng rút ngắn lại thời gian nói trên.

Đối với dự án Luật quản lý ngoại thương:

Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết 17 điều như vậy là nhiều, vì vậy đề nghị giảm bớt các điều giao cho Chính phủ quy định chi tiết; để đảm bảo một công việc chỉ giao cho một cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm, đề nghị thẩm quyền áp dụng quy định tại Điều 14 chỉ giao cho Chính phủ hoặc Bộ Công thương quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu.

Đối với dự án Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi):

Theo quy định của dự thảo Luật thì diện người được trợ giúp pháp lý lại thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành. Cụ thể, các điểm b, e và g khoản 1 Điều 7 của dự thảo Luật không thu hút tất cả những người được trợ giúp pháp lý đang được quy định trong Luật Người khuyết tật (điểm d khoản 1 Điều 4), Luật Phòng, chống mua bán người (khoản 1 Điều 36) và Luật Trẻ em (Điều 30) mà chỉ quy định lựa chọn những người “có hoàn cảnh khó khăn về tài chính” hoặc “trẻ em bị buộc tội” mới thuộc diện được trợ giúp pháp lý.

Việc thu hẹp người thuộc diện được trợ giúp pháp lý so với quy định hiện hành như trên dẫn đến một số đối tượng trong cùng một nhóm người yếu thế không được hưởng chính sách trợ giúp pháp lý, tạo nên sự thiếu nhất quán trong chính sách xã hội của Nhà nước và có thể gây ra những tác động tiêu cực trong xã hội.

Chính vì vậy, đề nghị rà soát và đối chiếu với các luật có liên quan để bổ sung các đối tượng này vào đối tượng được trợ giúp pháp lý.

 Về tiêu chuẩn trợ giúp viên pháp lý, tán thành quan điểm cần nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ trợ giúp viên pháp lý theo lộ trình hợp lý, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ của Nhà nước đối với người dân.

Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc quy định nâng ngay tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý tương đương tiêu chuẩn của luật sư là quá cao, mà chỉ nên quy định trường hợp Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng như luật sư thì cần trình độ như luật sư, còn trường hợp là tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và các công việc khác thì không đòi hỏi phải có yêu cầu chuyên sâu như luật sư.

Đối với dự án Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi):

Một số luật hiện hành như Luật Tiếp cận thông tin, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Tố cáo… cũng có quy định dẫn chiếu trách nhiệm bồi thường của Nhà nước tới Luật này, nhưng đối chiếu với các trường hợp cụ thể quy định trong dự thảo Luật về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính lại không có các nội dung tương ứng với quy định tại các luật nói trên, đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình lý do vì sao.

Về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường nhà nước đề nghị chọn phương án mô hình cơ quan giải quyết bồi thường như Luật hiện hành, theo đó chỉ có 1 loại cơ quan là cơ quan giải quyết bồi thường.

Đề nghị giảm mức hoàn trả của người thi hành công vụ và bổ sung quy định miễn hoàn trả đối với trường hợp người thi hành công vụ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Về hoạt động chất vấn tại kỳ họp:

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chất vấn bằng văn bản và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty CP Thủy điện Đăk Đrinh phối hợp với các cơ quan liên quan trong tỉnh giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của công tác bồi thường, hỗ trợ tái định canh - định cư công trình thủy điện Đăk Đrinh trên địa bàn huyện Kon Plông nói chung và trọng tâm trước mắt là thanh toán kinh phí bồi thường thu hồi đất sản xuất của thôn Tu Rét và kinh phí khai hoang đồng ruộng để bố trí đất sản xuất cho 2 thôn Vương và thôn Xô Luông (huyện Kon Plông).

Tống Quang Vinh

Chuyên mục khác