06/11/2016 09:15
|
Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi):
Đề nghị Chính phủ rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung ngay trong dự thảo Luật quy định về đối tượng, tiêu chuẩn, định mức trang bị và thẩm quyền quyết định việc quản lý sử dụng tài sản công như: xe ô tô, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch và thống nhất giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân sử dụng tài sản công trong hệ thống chính trị.
Trong thời gian qua đã xảy ra tình trạng nguồn lực đất đai vẫn đang bị buông lỏng quản lý, gây lãng phí rất lớn (đất đai ở nông, lâm trường, công ty lâm nghiệp, đất quốc phòng,...). Do vậy, ngoài các quy định quản lý, sử dụng đất đai theo Luật Đất đai, cần cụ thể hóa ngay trong Luật này một số nội dung có tính nguyên tắc để nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhà nước, tổ chức có liên quan nhằm tăng cường quản lý và sử dụng có hiệu quả tài sản công là đất đai.
Đồng thời, đối chiếu các quy định của Luật này với các luật liên quan như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp… để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật trong công tác quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai...
Đề nghị áp dụng mô hình quản lý trụ sở tập trung (giao một bộ làm đầu mối quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan nhà nước thuộc trung ương. Mỗi tỉnh, thành phố giao một đầu mối để quản lý thống nhất trụ sở của các cơ quan nhà nước thuộc địa phương), khuyến khích thực hiện mô hình “đầu tư tư nhân sử dụng công” nhằm tăng cường hiệu quả trong đầu tư, bố trí sử dụng, khả năng điều hòa tài sản nhà nước và hạn chế việc đầu tư dàn trải, manh mún, gây lãng phí nguồn lực nhà nước như hiện nay.
Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung các quy định của Dự thảo Luật liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong quản lý tài sản công cho phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ và các luật có liên quan bảo đảm công tác quản lý chặt chẽ, hiệu quả và phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.
Đối với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ:
Đề nghị chọn phương án chỉ nên giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí để tập trung nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, phù hợp với thực tế hiện nay.
Đối với doanh nghiệp thuộc Bộ Công an chỉ nên giao nghiên cứu, sản xuất, chế tạo, sửa chữa một số loại vũ khí phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng Công an nhân dân và giao Chính phủ quy định là phù hợp.
Đề nghị nghiên cứu, kế thừa các quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện hành vì các quy định này đang được thực hiện phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước; bổ sung các quy định theo hướng chỉ giao các “doanh nghiệp nhà nước” được sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp.
Đồng thời, phân định rõ hoạt động sản xuất với hoạt động kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp theo hướng doanh nghiệp sản xuất chỉ thực hiện chức năng sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh chỉ thực hiện chức năng kinh doanh, vì đây là loại hàng hóa đặc biệt, nguy hiểm, cần quy định cơ chế quản lý chặt chẽ nhằm bảo đảm yêu cầu quản lý về an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Đề nghị rà soát, chỉnh lý các quy định về vật liệu nổ công nghiệp cho phù hợp với chức năng của Quân đội nhân dân và nhiệm vụ của các cơ sở, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng trên cơ sở kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành.
Tống Quang Vinh