18/03/2016 07:55
|
Tại Quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống hạn trên địa bàn theo Kế hoạch số 2735/KH-UBND ngày 23/11/2015 và Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 01/3/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum; chủ động sử dụng ngân sách của các đơn vị để chống hạn, bơm tưới cho cây trồng; áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị hạn hán theo Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 8/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 và Thông tư số 33/2013/TT-BTC ngày 21/3/2013 của Bộ Tài chính, quy định hiện hành của Nhà nước; báo cáo tình hình hạn hán, tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra và đề xuất hỗ trợ chống hạn, cứu đói, khôi phục sản xuất vùng bị ảnh hưởng về Sở NN-PTNT, Sở LĐTB&XH để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu liên sở: NN-PTNT, Tài chính chịu trách nhiệm tổng hợp, kiểm tra, đánh giá, báo cáo tình hình hạn hán, thiệt hại do thiên tai gây ra và đề xuất hỗ trợ chống hạn, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do hạn hán gây ra theo đúng chính sách quy định; Sở LĐTB&XH chịu trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp tình hình thiếu đói do hạn hán gây ra, đề xuất hỗ trợ kịp thời.
* Chiều cùng ngày, Văn phòng UBND tỉnh cùng Sở NN-PTNT đã tổ chức họp báo với các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh để công bố Quyết định 240/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở NN-PTNT đã thông báo tình hình hạn hán, cháy rừng trên địa bàn. Tính đến ngày 14/3/2016, toàn tỉnh có gần 1.200 ha cây trồng bị khô hạn, thiếu nước, tập trung chủ yếu là diện tích lúa nước và cây cà phê; có 4 công trình nước tự chảy nguồn nước đầu mối cạn kiệt, suy giảm không đủ cấp nước cho các hộ dân tại huyện Tu Mơ Rông; 3.775 giếng nước bị khô hạn, thiếu nước. Dự báo nếu thời tiết tiếp tục khô hạn như hiện nay, khả năng đến cuối vụ sẽ có khoảng 6.000 ha cây trồng bị hạn và khoảng 5.000 giếng nước khô hạn, số hộ thiếu nước khoảng 7.500 hộ.
Về cháy rừng, từ đầu mùa khô 2015-2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số đám cháy nhỏ nhưng chưa gây thiệt hại về diện tích rừng, chủ yếu là cháy thực bì, lau lách…Ngày 12/3/2016 vừa qua đã xảy ra 1vụ cháy cây cao su với diện tích khoảng 16,22 ha của Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Kon Rẫy. Hiện cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn là cấp III, IV và có thể lên tới cấp V.
Trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến công tác phòng chống hạn trong thời gian tới, lãnh đạo 2 đơn vị chủ trì buổi họp báo cho biết, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tăng cường công tác phòng chống hạn hán, xem công tác phòng chống hạn hán, phòng cháy chữa cháy rừng là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong thời gian này. Lãnh đạo 2 đơn vị chủ trì buổi họp báo cũng thông báo các biện pháp chống hạn, phòng cháy chữa cháy rừng mà các ngành, các địa phương trong tỉnh đã triển khai trong thời gian qua và những giải pháp, định hướng trong thời gian đến...
Văn Phương