31/07/2022 06:05
Khi chúng tôi đến thăm, Nàng Thái cùng các thành viên trong gia đình đang tất bật thu gom những bao lúa ST25. Nghỉ tay, tiếp chuyện chúng tôi, chị cởi mở kể về gia đình mình. Ở tuổi 28, Nàng Thái trông già dặn hơn tuổi rất nhiều. Bởi ngay từ khi còn bé, chị đã không sống với cha, cùng mẹ và các em sống trong cảnh thiếu thốn, lam lũ.
Nàng Thái tâm sự: Là người Brâu, gắn bó với ruộng rẫy ngay từ khi còn bé nên tôi rất thành thạo các công việc làm nông. Người Brâu ngày xưa nghèo chữ, thiếu ăn thiếu mặc, suốt ngày chỉ quanh quẩn với rừng núi, nên khi có cơ hội được đi học, nhiều gia đình đã cho con em đến trường. Thế nhưng, vì điều kiện không cho phép nên nhiều nhà chỉ mong con mình biết được con chữ rồi lại bỏ ngang việc học và tôi cũng như thế. Tuy nhiên, khi nghỉ học ở nhà tôi tiếp tục tìm hiểu các kiến thức về nông nghiệp để áp dụng cho gia đình.
Chỉ tay về đồng lúa đang thu hoạch, Nàng Thái cho biết đó một trong những minh chứng, gia đình luôn tìm tòi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời lựa chọn giống lúa mang lại năng suất cao. Chính vì thế, khi được xã giới thiệu về giống lúa ST25, chị đã lên mạng tìm hiểu và biết được đây là một trong những loại gạo ngon nhất thế giới, có giá trị rất cao nên đã chuyển 3 sào lúa nước của gia đình sang trồng giống lúa ST25 để nâng cao thu nhập.
|
Bên cạnh việc lựa chọn giống lúa mới, Nàng Thái còn chủ động tìm hiểu nhiều loại cây trồng khác nhằm chuyển đổi theo hướng bền vững. Nàng Thái tâm sự, người Brâu xưa nay có thói quen trồng mì, vì nhanh có kết quả và không phải đầu tư nhiều. Nhưng trồng mì sau một thời gian đất sẽ bạc màu và lại phải khai hoang nơi khác, chính vì thế Nàng Thái khuyên gia đình chuyển từ trồng mì sang cà phê và cao su để nâng cao thu nhập.
Từ 2ha đất gia đình cho làm quà cưới, vợ chồng Nàng Thái đã chuyển từ trồng mì sang trồng cao su, sau đó tiếp tục khai hoang thêm 2ha trồng cà phê xen cây ăn trái các loại. Các kiến thức trồng trọt được Nàng Thái học tập từ bà con các thôn khác, tìm hiểu trên internet và tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức. Giờ đây, gia đình Nàng Thái đã được thu “quả ngọt” từ việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, khi mỗi năm trừ mọi chi phí thu lãi hơn 150 triệu đồng.
Nàng Thái tâm sự: Lúc mới trồng tôi rất lo, vì không biết có mang lại kết quả tốt không. Chính nhờ sự quyết đoán, mạnh dạn của bản thân và gia đình cùng sự hỗ trợ kỹ thuật từ chính quyền địa phương, vườn cây đã phát triển rất tốt và nhận được nhiều ngợi khen của làng xóm. Nhiều bà con thấy cây trồng hiệu quả, cũng sang học hỏi kinh nghiệm để trồng.
Chị Đặng Thị Hạnh – Chủ tịch Hội LHPN xã Pờ Y nhận xét: Là hội viên phụ nữ người Brâu, cuộc sống Nàng Thái gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Nàng Thái không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, năng nổ tham gia các hoạt động do Hội và xã triển khai, học hỏi, trau dồi kiến thức để phát triển đời sống. Từ một hộ khó khăn, giờ đây Nàng Thái đã có nhà cửa khang trang, có của ăn, của để, là tấm gương để nhiều chị em phụ nữ khác học hỏi theo.
Văn Tùng