02/04/2025 06:01
Cách đây không lâu, do thời tiết biến đổi bất thường, biên độ nhiệt chênh lệch quá lớn khiến hàng chục cây sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Duy Thiếm (thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngọk) bị rụng lá, không đảm bảo cho việc dưỡng quả trong niên vụ mới. Để khắc phục tình trạng này, gia đình ông đã phải vặt bỏ lứa hoa đầu mùa để dưỡng cây. Ngoài ra, ông Thiếm đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương, nhỏ giọt cung cấp đủ nước tưới cho cây sinh trưởng trước tình hình thời tiết nắng nóng bất thường như hiện nay.
Theo kinh nghiệm của ông Thiếm, nếu sử dụng phương pháp tưới truyền thống bằng hệ thống béc phun thông thường thì rất dễ làm ảnh hưởng đến mầm hoa và ngọn non của cây. Với phương pháp tưới nhỏ giọt bằng hệ thống béc phun gốc như gia đình ông đang áp dụng, lượng nước được phân bổ đều đến tận gốc và thẩm thấu xuống khu vực có rễ cây, vừa tiết kiệm được nguồn nước tưới cho mỗi đợt tưới, vừa giữ được độ ẩm ổn định. Đồng thời, việc tưới trực tiếp bằng phương pháp nhỏ giọt cũng hạn chế việc phụ thuộc vào nguồn nước, vì có thể tận dụng nước từ hệ thống ao, hồ nhỏ.
|
Tương tự gia đình ông Thiếm, sau thời gian tìm hiểu kỹ thuật, gia đình anh Vi Đăk Uyn tại thôn Thanh Xuân, xã Đăk Ngọk cũng đầu tư lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt trên diện tích 1,3ha cà phê xen canh sầu riêng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Để nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, anh còn đưa cây chanh dây vào trồng với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
“Tôi áp dụng mô hình này được hơn 1 năm nay, thấy hiệu quả mang lại rất cao. Cụ thể, với vườn của gia đình một lần hệ thống hoạt động là tưới được cả 3 loại cây cà phê, sầu riêng và chanh dây. Hơn nữa, mình có thể tranh thủ tưới tại nhiều thời điểm khác nhau, ít bị ảnh hưởng bởi lịch điều tiết nước tưới của các hộ xung quanh. Qua đó, vừa đảm bảo cho vườn cây phát triển tốt, vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư, chăm sóc cây trồng mùa khô”- anh Uyn chia sẻ.
Bước vào mùa khô năm nay, huyện Đăk Hà có tổng diện tích trên 25.000ha cà phê và các loại cây ăn trái cần nhiều nguồn nước tưới. Trong đó, có gần 500ha cây trồng có khả năng bị khô hạn, thiếu nước tưới vào thời điểm cuối mùa khô. Do vậy, bên cạnh công tác quản lý, khai thác hiệu quả các công trình hồ đập chứa nước, hệ thống kênh mương thủy lợi, các đơn vị, địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động triển khai các biện pháp tưới nước tiết kiệm.
Tại cánh đồng mẫu cà phê làng Kon K’lốc, xã Đăk Mar của Công ty TNHH MTV Cà phê 704, để đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 80 ha cà phê của các hộ công nhân DTTS trong mùa khô, đơn vị đã đầu tư hệ thống bơm động lực công suất lớn để dẫn nước từ đập thủy lợi Kon K’lốc lên hồ chứa trung tâm khu sản xuất với chiều dài gần 2 km. Đồng thời, lắp đặt đường điện 3 pha để các hộ dân áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước qua hệ thống bec phun, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa đảm bảo điều tiết nguồn nước tưới đồng đều cho toàn bộ diện tích.
|
Để đảm bảo duy trì sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, huyện Đăk Hà đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phối hợp trong điều tiết nguồn nước tưới, đảm bảo khoa học, hiệu quả; tận dụng nước từ các ao hồ, suối nhỏ để giảm áp lực nguồn nước cho hệ thống kênh mương cấp I. Bên cạnh đó, rà soát, vận động nhân dân đầu tư lắp đặt các hệ thống phun tưới nước tiết kiệm, bơm tưới kết hợp sử dụng các loại chế phẩm sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Trước dự báo thời tiết mùa khô kéo dài, nguy cơ xảy ra hạn hán cục bộ vẫn ở mức cao, bên cạnh làm tốt công tác quản lý nhà nước về quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, việc người nông dân chủ động tìm hiểu, đầu tư ứng dụng các phương pháp canh tác, sản xuất mới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu là yếu tố tích cực nhằm mang lại hiệu quả kinh tế canh tác nông nghiệp trong mùa khô. Đồng thời, giúp người dân ổn định sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp trước tình hình biến đổi khí hậu cực đoan như hiện nay.
Trọng Nghĩa