03/04/2025 13:05
Ngay từ cuối năm 2024, tỉnh ta đã nhận diện những khó khăn, thách thức phải đối mặt và vượt qua trong năm 2025. Đó là tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm còn yếu, năng suất lao động thấp; trình độ lao động tuy được đào tạo nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, thiên tai, biến đổi khí hậu sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nặng nề đến quá trình phát triển kinh tế; thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Tất nhiên, đi cùng khó khăn, thách thức là cơ hội và thuận lợi. Niềm tin vào sự quản lý, điều hành của chính quyền lên cao; sức mạnh khối đại đoàn kết được củng cố và phát huy.
Thể chế chính sách và môi trường kinh doanh đang được hoàn thiện và đồng bộ. Cơ hội mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác ngày càng tăng.
|
Quá trình chuyển đổi số và công nghệ đang được triển khai mạnh mẽ cả trong các cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp, tổ chức, từ đó tạo động lực mới cho phát triển.
Các ngành, địa phương đã khẩn trương xây dựng chương trình kế hoạch hành động cụ thể, phù hợp, bắt tay ngay vào thực hiện nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2025. Đồng thời, tích cực triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng chỉ đạo của Trung ương.
Người dân và doanh nghiệp đều rất tin tưởng vào cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức - bộ máy mà Trung ương và tỉnh đang triển khai. Và kỳ vọng về sự đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi công vụ của bộ máy hành chính công.
Số liệu về kinh tế-xã hội quý I/2025 mới được Cục Thống kê công bố cho thấy quyết tâm và nỗ lực triển khai những giải pháp cụ thể của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã phát huy hiệu quả.
Trong đó, thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 900 tỷ đồng, bằng 18% dự toán địa phương giao, đạt 27,4% dự toán Trung ương và bằng 101,7% so với cùng kỳ. Hoạt động đầu tư có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 6.194 tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch và tăng 15,1% so với cùng kỳ. Trong đó vốn đầu tư từ khu vực tư nhân là 4.896 tỷ đồng, đạt 18% kế hoạch và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước.
Đã chỉ đạo phân bổ, đôn đốc quyết liệt giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025. Uớc giải ngân đến hết quý I đạt khoảng 414/2.435 tỷ đồng, bằng 17% so với kế hoạch vốn Trung ương giao.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển, với khoảng 31.546ha cà phê, đạt 97,9% kế hoạch (trong đó cà phê xứ lạnh 4.331ha, đạt 81,2% kế hoạch); 81.645ha cao su, đạt 100% kế hoạch; 4.142ha mắc ca, đạt 93,2% kế hoạch; 12.566ha cây ăn quả, đạt 92% kế hoạch; 2.922ha sâm Ngọc Linh, đạt 65% kế hoạch (chưa trồng mới); 10.523ha cây dược liệu khác đạt 88% kế hoạch. Đã cải tạo khoảng 1.008ha vườn tạp, đạt 50,4% kế hoạch.
|
Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I năm 2025 ước tăng 10,8% so với cùng kỳ. Các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm 2024. Một số nhóm ngành có chỉ số sản xuất tăng cao, như ngành khai thác khoáng sản, ngành chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ cao su, ngành điện, ngành cấp nước và xử lý rác thải.
Khu vực dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng trưởng tốt. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên thị trường ước đạt 10.730 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ.
Trong quý I, toàn tỉnh thu hút được khoảng 948.700 lượt khách, đạt 32% kế hoạch; trong đó, khách trong nước khoảng 943.800 lượt khách và khách quốc tế khoảng 4.900 lượt khách, riêng lượng khách quốc tế cao hơn gấp 2.04 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt khoảng 300 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch đề ra.
Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 26/3 Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đến hết quý II/2025 đã xác định các chỉ tiêu chủ yếu đến hết quý II năm 2025.
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP tăng từ 12% trở lên; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn trên 2.500 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn từ 17.000 tỷ đồng trở lên (trong đó vốn đầu tư khu vực tư nhân trên 14.300 tỷ đồng).
Để hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu, Nghị quyết số 28 yêu cầu các cấp, các ngành xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình MTQG là một nhiệm vụ chính trị quan trọng để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch làm cơ sở để thu hút đầu tư; phối hợp hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm triển khai đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.
Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến; tập trung phát triển, nâng cao năng lực xuất khẩu những sản phẩm thế mạnh của địa phương.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trồng mới cây cà phê xứ lạnh, sâm Ngọc Linh và dược liệu khác. Thu hút các cơ sở sơ chế, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư, trọng tâm là thu hút đầu tư về phát triển du lịch và các ngành công nghiệp có lợi thế.
Rà soát, đánh giá toàn bộ các dự án đã được cấp phép đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, chấm dứt hoạt động đối với các dự án chậm tiến độ, không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả để thu hút, lựa chọn nhà đầu tư khác có năng lực, uy tín, tâm huyết đến đầu tư, không để lãng phí nguồn lực của địa phương.
Hồng Lam