“Mở cửa” tiếp cận nguồn lực đất đai cho kinh tế tư nhân

28/05/2025 06:00

Tháo gỡ “rào cản”, tạo sự minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực đất đai là một trong những động lực quan trọng để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế.
Tiếp cận đất đai vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất của kinh tế tư nhân. Ảnh: T.H

 

Với các thành phần kinh tế nói chung, kinh tế tư nhân nói riêng, 3 điều kiện tiên quyết để phát triển là lực lượng lao động, vốn đầu tư, tư liệu sản xuất. Và đất đai chính là tư liệu sản xuất quan trọng nhất, không chỉ là “mặt bằng” để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất (như nhà máy, công xưởng, văn phòng) mà còn là một loại tài sản, là nguồn lực, nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Tiếp cận đất đai thuận lợi đem lại cơ hội thực hiện thành công các dự án đầu tư. Ảnh: TH

 

Tiếp cận đất đai thuận lợi đem lại khả năng thực hiện thành công các dự án đầu tư, từ đó tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp cũng như nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Tiếp cận đất đai thuận lợi cũng đồng nghĩa doanh nghiệp tư nhân có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng, từ đó nắm bắt cơ hội đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh mới.

“Tiếp cận đất đai” còn là một trong 10 chỉ số để Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá năng lực cạnh tranh của các địa phương thông qua Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là chỉ số quan trọng tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy, không chỉ thu hút mà còn góp phần giữ chân các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, lâu dài tại địa phương.

Những năm qua, với mục tiêu chuyển đất đai từ tài nguyên thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều tiết nguồn lực từ đất đai; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn lực đất đai. Thúc đẩy quan hệ đất đai vận hành theo các nguyên tắc, quy luật của thị trường, hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý đất đai.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Sâm- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, quan điểm của tỉnh rất rõ ràng là phải công khai, minh bạch, mở rộng quyền tiếp cận đất đai của các thành phần kinh tế, đảm bảo tài nguyên đất đai được giao cho các chủ thể có năng lực để sử dụng hiệu quả gắn với giải quyết hợp lý các vấn đề xã hội phát sinh.

Để làm được điều này, tỉnh chỉ đạo đầu tư nguồn lực để hiện đại hóa hồ sơ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai, từng bước hiện đại hóa dịch vụ công về đất đai theo hướng mở. Tập trung chỉ đạo để hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp.

Xử lý triệt để bất cập trong quản lý, sử dụng đất, nhất là tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích, cho thuê, cho mượn, giao khoán trái pháp luật để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực từ quỹ đất.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tiếp cận đất đai vẫn là một trong những khó khăn lớn nhất của kinh tế tư nhân, bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo VCCI, chỉ số thành phần “tiếp cận đất đai” của tỉnh Kon Tum năm 2024 đạt 6,66 điểm, ở mức thấp so với điểm trung vị.

Lý do có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn là thủ tục hành chính về đất đai còn khá phiền hà; công tác quản lý, quy hoạch đất đai, cung cấp thông tin về đất đai chưa được thực hiện tốt. Tình trạng chi trả chi phí không chính thức trong giải quyết thủ tục đất đai còn tương đối phổ biến. Chính quyền địa phương cũng lúng túng trong thực thi chính sách của Nhà nước, đặc biệt là việc xác định giá đền bù đất đai khi có thu hồi đất.

Trong các hội nghị đối thoại của tỉnh với doanh nghiệp, vấn đề tiếp cận đất đai cũng là một trong những vấn đề “nóng”, được đa số doanh nghiệp đề cập đến, hoặc phản ánh là gặp vướng mắc.

Đại diện một doanh nghiệp có dự án đầu tư vào tỉnh cho biết, theo cơ chế tiếp cận đất đai hiện nay, Nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu theo cơ chế đấu giá, hoặc đấu thầu chọn nhà đầu tư, trừ một số dự án quan trọng quốc gia. Cơ chế này đã loại hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi các phiên đấu giá, vì họ không đủ nguồn lực, hoặc khó có thể đủ điều kiện để vào sâu.

Bên cạnh đó, do thủ tục hành chính về đất đai còn rắc rối, thời gian kéo dài nên có những doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục.

Một giám đốc hợp tác xã (đề nghị giấu tên) phàn nàn rằng, muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thiếu vốn. Muốn tiếp cận các nguồn tín dụng, nhưng lại không có tài sản thế chấp, cụ thể là đất đai.

“Hợp tác xã từng được giới thiệu vị trí đất tại một cụm công nghiệp của thành phố Kon Tum, nhưng cả 2 năm nay chưa hoàn thành thủ tục đất đai nên không có tài sản để thế chấp, đành dừng dự án xây dựng nhà máy”- vị giám đốc này nói.

Chính vì vậy, quan điểm “cởi trói” cho kinh tế tư nhân về tiếp cận nguồn lực đất đai trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị đã thổi luồng gió mới đầy lạc quan cho khu vực này.

Theo Nghị quyết 68, khu vực kinh tế tư nhân sẽ được tạo thuận lợi để tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; được giảm tối thiểu 30% tiền thuê lại đất cho các đối tượng này trong vòng 5 năm đầu .

Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Những quan điểm của Đảng tại Nghị quyết 68 đã rõ, vấn đề đặt ra hiện nay là các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ cụ thể hóa, đưa Nghị quyết vào cuộc sống; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Công khai, minh bạch và chủ động cung cấp thông tin tới doanh nghiệp; giảm thiểu thời gian giải quyết thủ tục thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hỗ trợ tích cực trong giải phóng mặt bằng.                

Thành Hưng

 

Chuyên mục khác