27/05/2025 06:00
|
Nỗ lực vượt khó
Ngày 9/6/2005, Tu Mơ Rông chính thức được thành lập theo Nghị định số 76/2005/NĐ-CP của Chính phủ, tách ra từ huyện Đăk Tô. Những ngày đầu, huyện phải đối mặt với vô vàn thách thức. Hạ tầng hầu như chưa có, giao thông cách trở, nhiều xã biệt lập, việc kết nối với các địa phương khác vô cùng khó khăn.
Với hơn 95% dân số là người Xơ Đăng, cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp, phương thức canh tác lạc hậu, điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật hầu như bằng không. Đời sống người dân còn nhiều thiếu thốn, dân trí thấp, canh tác lạc hậu.
Không chỉ vậy, thiên tai thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất. Đặc biệt, năm 2009, cơn bão số 9 đã để lại hậu quả nặng nề, tàn phá nhiều tuyến đường huyết mạch, cuốn trôi nhà cửa, hoa màu và gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong gian khó, chính quyền và nhân dân huyện Tu Mơ Rông vẫn kiên cường bám đất, bám rừng, vượt qua nghịch cảnh, vượt qua thử thách, từng bước khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng huyện với nhiều thay đổi diện mạo như hôm nay.
Nhận thức rõ đặc điểm địa hình, thời tiết và nguồn tài nguyên quý giá từ rừng Ngọc Linh, huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng chiến lược phát triển riêng. Thay vì phụ thuộc vào cây lúa, cây mì, huyện chuyển hướng sang các loại cây trồng giá trị cao như cà phê xứ lạnh, dược liệu và đặc biệt sâm Ngọc Linh, được mệnh danh là “quốc bảo” của Việt Nam.
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện xác định rõ chiến lược phát triển bền vững là bảo vệ và phát triển rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng, gắn với phát triển du lịch. Hướng đi nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Để hiện thực hóa định hướng phát triển bền vững, huyện Tu Mơ Rông đã lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa nhằm hỗ trợ người dân trồng, phục hồi gần 2.000ha rừng. Đồng thời, huyện tích cực thu hút doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cây dược liệu, qua đó, giúp người dân, HTX, doanh nghiệp có thêm điều kiện mở rộng, phát triển diện tích và xây dựng thương hiệu cho riêng mình, giúp hàng loạt dược liệu quý và sâm Ngọc Linh vươn ra thị trường quốc tế.
Cùng với phát triển nông nghiệp, Tu Mơ Rông đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng, từng bước hình thành mô hình phát triển bền vững dựa trên các trụ cột: Trồng rừng, chăn nuôi, dược liệu và du lịch.
20 năm qua, diện mạo Tu Mơ Rông đã đổi thay toàn diện. Hệ thống hạ tầng cơ bản được đầu tư bài bản, 86/86 thôn, làng có điện chiếu sáng, các tuyến đường giao thông được mở rộng, nâng cấp kết nối thông suốt giữa các khu sản xuất. Trường học, trạm y tế được nâng cấp, chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe từng bước được nâng cao.
Giáo dục ở vùng khó có những thay đổi vượt bậc. Mô hình bán trú dân nuôi, hỗ trợ bữa ăn cho học sinh vùng cao đã giúp tăng tỷ lệ đến lớp, cải thiện thành tích học tập. Các khu dân cư kiểu mẫu như Tu Thó, Ba Khen – Long Tro, Mô Za làm thay đổi diện mạo nông thôn, khẳng định sự đổi mới không chỉ trong hạ tầng mà cả trong tư duy của người dân.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, Tu Mơ Rông còn tiên phong trong chuyển đổi số. Người dân học cách bán nông sản qua sàn thương mại điện tử, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc, livestream bán hàng. Chính quyền cũng triển khai đào tạo công nghệ AI cho cán bộ để nâng cao hiệu quả quản lý, ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính.
|
Trái ngọt sau hai thập kỷ
Sau 20 năm phát triển, Tu Mơ Rông đã vươn lên trở thành một trong ba vùng trọng điểm trồng dược liệu của tỉnh Kon Tum, với hơn 4.000ha, trong đó có hơn 3.000ha sâm Ngọc Linh, lớn nhất nước. Từ cây trồng gắn bó với rừng sâu, sâm Ngọc Linh đã tạo nên những tỷ phú Xơ Đăng, những thương hiệu dược liệu mạnh, các điểm tham quan du lịch sinh thái vườn sâm độc đáo.
Hàng loạt “cái nhất” được ghi nhận: Diện tích trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất, nhiều tỷ phú người DTTS nhờ sâm Ngọc Linh nhất, nhiều sản phẩm dược liệu được chế biến nhất và là nơi có mô hình tham quan vườn sâm Ngọc Linh lớn nhất thế giới.
|
Điều đáng mừng nhất là tư duy của người dân vùng sâu ở Tu Mơ Rông đã có sự chuyển biến rõ rệt theo hướng văn minh, hiệu quả, giá trị. Đó là từ tập quán sản xuất tự cung, tự cấp, phát rừng làm rẫy, nay người dân đã biết trân trọng, bảo vệ và phục hồi những cánh rừng để phát triển kinh tế xanh, trở thành vùng đệm quý giá cho việc trồng dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh.
Từ chỗ phát rừng làm rẫy, nay người dân biết giữ rừng để phát triển kinh tế xanh. Từ lệ thuộc hỗ trợ nhà nước, nay bà con chủ động vay vốn, đầu tư trồng sâm. Riêng trong năm 2022, tổng vốn vay để trồng sâm gần 100 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cả giai đoạn 5 năm trước đó.
Đặc biệt, sâm Ngọc Linh giờ đây không chỉ là cây trồng mà đã trở thành tài sản kinh tế và niềm tự hào của mỗi gia đình. Nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình “Cây sâm nhà tôi” nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm. Nhờ đó, tại các xã trọng điểm như Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây, nhiều hộ đã có thu nhập từ 500 triệu đến trên 10 tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình “Cây sâm nhà tôi”.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, Tu Mơ Rông còn đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Xơ Đăng. Các lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian và hoạt động tại các làng văn hóa được duy trì và phát triển, góp phần làm sống dậy nét đẹp văn hóa đặc trưng của cộng đồng địa phương.
|
|
Du lịch cộng đồng cũng từ đó phát triển. Từ xuất phát điểm gần như bằng không, đến nay mỗi năm Tu Mơ Rông đón khoảng 10.000 lượt khách. Các điểm đến như thác Tea Prông, thác Siu Puông, rừng chè cổ thụ, rừng đỗ quyên, khu căn cứ Tỉnh ủy Măng Ri hay các làng du lịch như Tu Thó, Đăk Chum 1, Lê Văng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Phấn khởi với sự phát triển của huyện sau 20 năm, chia sẻ với chúng tôi, anh A Bù - Trưởng thôn Tu Thó (xã Tê Xăng) cho biết: Bà con chúng tôi rất vui mừng vì thành tựu sau 20 năm xây dựng và phát triển của huyện. Đặc biệt, sự quan tâm của Nhà nước đã tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, giúp đời sống người dân nâng cao về mọi mặt, cái đói được đẩy lùi, cái nghèo ngày càng giảm.
Bệ phóng cho tương lai
Theo định hướng sắp xếp lại đơn vị hành chính, Tu Mơ Rông sẽ chuyển đổi mô hình, tiến tới không còn cấp huyện mà chỉ còn 4 xã. Đây là bước đi chiến lược, giúp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả điều hành, quản lý, hướng đến phát triển bền vững.
Dù mô hình hành chính thay đổi, nền tảng vững chắc đã được tạo dựng trong 20 năm sẽ là bệ phóng để Tu Mơ Rông tiếp tục chuyển mình. Từ thay đổi trong tư duy của cán bộ, người dân; đến sự phát triển vượt bậc về kinh tế, hạ tầng, văn hóa, tất cả đang hội tụ thành sức mạnh mới.
Đặc biệt, với lợi thế là sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu quý không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn khẳng định thương hiệu Tu Mơ Rông trên bản đồ dược liệu Việt Nam. Du lịch sinh thái gắn với bản sắc văn hóa dân tộc Xơ Đăng đang mở ra cơ hội phát triển mới, đưa Tu Mơ Rông trở thành điểm đến độc đáo và đầy bản sắc.
Với thu nhập bình quân tăng từ 18 triệu lên 47 triệu đồng/năm, ngân sách huyện tăng từ 40 tỷ lên gần 70 tỷ đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 70% xuống dưới 30%, Tu Mơ Rông đang thực sự “thay da đổi thịt”.
Tu Mơ Rông hôm nay từng bước khẳng định vị thế trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bằng hướng đi riêng, khai thác phát huy hiệu quả lợi thế riêng có.
Hành trình 20 năm là niềm tự hào, một chặng đường mở ra nơi Tu Mơ Rông sẽ không chỉ là “thủ phủ dược liệu”, mà còn là hình mẫu phát triển xanh, bền vững và mang đậm bản sắc Tây Nguyên trong thời kỳ hội nhập.
Với định hướng phát triển bền vững và những tiềm năng sẵn có, Tu Mơ Rông sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, với sự tự tin và khả năng vươn lên mạnh mẽ, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và chào đón cơ hội trong tương lai.
Phúc Nguyên