28/06/2020 13:01
Bà Trần Thị Lan - Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, cây mít Thái có đặc điểm dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, khả năng thích nghi môi trường tốt, có thể trồng xen canh với một số cây trồng công nghiệp lâu năm. Bên cạnh đó, cây nhanh cho quả và cho quả quanh năm, quả khi chín có thịt vàng đậm, rất ít xơ, ráo nước, giòn ngọt và có mùi thơm dịu, khi bán mang lại lợi nhuận cao. Do vậy, cây đang được nhiều nông dân ở các tỉnh miền Tây Nam bộ ưa chuộng, trồng để phát triển kinh tế.
Bà Lan cũng chia sẻ, tháng 6/2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai mô hình trồng cây mít Thái trên tổng diện tích 0,89ha với sự tham gia của 30 hội viên, phụ nữ thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Tham gia mô hình, các hội viên, phụ nữ được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và được cấp cây giống mít Thái (371 cây) cùng phân bón với tổng kinh phí 30 triệu đồng. Đến nay, sau hơn một năm trồng, các cây mít Thái sinh trưởng ổn định, đạt độ cao trung bình từ 1,5 – 2m và đã cho quả bói.
|
“Năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai việc hỗ trợ bà con nông dân trên địa bàn tỉnh trồng cây mít Thái. Từ tháng 5/2020, Trung tâm bắt đầu phối hợp với UBND các xã: Sa Bình (huyện Sa Thầy), Đăk La và Đăk Hring (huyện Đăk Hà), Chư Hreng (thành phố Kon Tum) triển khai mô hình “Trồng thâm canh cây mít Thái” trên tổng diện tích 11,5ha với sự tham gia của 49 hộ dân với tổng kinh phí 457 triệu đồng. Bà con tham gia mô hình được học tập các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc và hỗ trợ cây giống cùng phân bón để triển khai thực hiện mô hình”-bà Lan nói.
Xã Chư Hreng có 20 hộ dân, trong đó có 5 hộ DTTS tham gia mô hình “Trồng thâm canh cây mít Thái” với tổng diện tích 5ha. Phấn khởi là tâm trạng chung của các hộ dân nơi đây khi lần đầu tiên được hỗ trợ và tiếp cận cách trồng cây mít Thái một cách bài bản và khoa học.
Ông Hoàng Văn Lực, người dân thôn 4, xã Chư Hreng chia sẻ, ông và các hộ dân khác trong xã đều rất vui mừng khi được Nhà nước hỗ trợ trồng cây mít Thái. “Tham gia mô hình, ngoài việc được tập huấn kỹ thuật, ông và các hộ dân còn được các cán bộ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND xã Chư Hreng đến tận vườn trực tiếp hướng dẫn ngay từ khâu làm đất, đào hố, bón lót và trồng cây”- ông Lực nói.
Bà Trần Thị Lan cho hay, đối với cây mít Thái, khi chọn giống bà con lưu ý nên chọn cây ghép nhưng phải là dòng F1 thuần chủng, như vậy mới đảm bảo về năng suất và chất lượng.
Việc trồng cây được triển khai từ tháng 5 đến tháng 7 (đầu mùa mưa) hàng năm. Thời điểm này cây bén rễ nhanh, tỉ lệ sống cao và phát triển tốt. Tuy nhiên, nếu bà con chủ động được nguồn nước có thể trồng sớm hơn quãng thời gian trên.
|
Mật độ trồng đối với cây mít Thái là cây cách cây 5m, hàng cách hàng 5m. Một héc-ta trồng khoảng 400 cây. Khi làm đất bà con lưu ý một số điểm sau: Đối với đất bằng phẳng phải xẻ mương rãnh sâu ít nhất 30-40cm để chống úng vào mùa mưa, đào hố theo kích thước 40x40x40cm và đắp mô cao 40-70cm; đối với đất có độ dốc 5%, không cần đắp mô, chỉ cần đào hố có kích thước 50x50x50cm; đối với đất có độ dốc cao hơn 7%, đào hố có kích thước 40x40x60cm.
Bên cạnh đó, để bón lót cho mỗi hố, bà con sử dụng 0,5kg vôi bột, 0,3kg phân super lân, 10kg phân chuồng hoặc xơ dừa, vỏ đậu, trấu mục và khi trồng cây xong phải dùng các vật liệu sẵn có để đậy phủ xung quanh gốc để che cỏ dại, chống xói mòn vào mùa mưa và giữ ẩm khi mùa khô.
Để cây đạt năng suất cao, sinh trưởng ổn định và cho quả ngon, đáp ứng được nhu cầu thị trường thì khâu chăm sóc đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Do vậy, bà con lưu ý tháng đầu tiên sau khi trồng nếu khô hạn phải tưới nước thường xuyên 2-3 lần/ngày, sau đó nếu tiếp tục khô hạn thì có thể tưới tăng lên từ 4-5 lần/ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây phát triển. Bà con phải kiểm tra vườn cây thường xuyên và có kế hoạch chống úng nước trong mùa mưa; làm cỏ xung quanh gốc định kỳ 3 lần/năm và khi xới đất xung quanh gốc cây không cuốc sâu vì rễ cây mít Thái mọc nổi. Việc tỉa cành bắt đầu khi cây cao hơn 1m và khi tỉa nên cắt xa thân khoảng 5-7cm. Việc tỉa trái thực hiện theo quy tắc: cây 1 tuổi để lại 1 quả/lứa; cây 2 tuổi để lại 2 quả/lứa; cây 3 tuổi để lại 3 quả/lứa…Khi bà con sử dụng phân hữu cơ nên kết hợp với các loại phân chuồng, phân xanh, phân rác, bã dừa, trấu mục; còn sử dụng phân hóa học nên phân tích mẫu đất để quyết định số lượng và loại phân phù hợp. Bà con phải nắm vững các triệu chứng và cách phòng trừ các loại sâu, bệnh hay gặp trên cây mít như sâu và ruồi đục thân, đục cành, đục trái; bệnh thối nhũn, bệnh thối gốc chảy nhựa…
Đến khi thu hoạch, bà con chọn những quả có các gai đã nở đều, có màu xanh vàng hoặc nâu nhạt, có mùi thơm, dùng tay vỗ nhẹ hoặc búng vào vỏ quả thấy phát ra những tiếng kêu bình bịch thì đó là mít chín.
Đức Thành