05/12/2021 06:08
Vụ mùa năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với UBND xã Tân Lập triển khai mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao ST24 theo tiêu chuẩn VietGAP với sự tham gia của 36 hộ dân trên quy mô diện tích 10ha. Sau khi kết thúc, mô hình được đánh giá đạt kết quả tốt với năng suất trung bình trên 64 tạ/ha và ít sâu bệnh.
Để giúp nhiều hộ nông dân nắm bắt, tiếp cận được thành tựu khoa học kỹ thuật thâm canh lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP và có cơ sở đánh giá việc thích nghi của giống lúa ST24 tại địa phương, vụ mùa năm 2021, từ nguồn ngân sách nhà nước, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai mô hình tại xã Tân Lập với sự tham gia của 29 hộ dân trên quy mô diện tích 10ha và triển khai thêm mô hình với quy mô diện tích tương tự tại xã Đăk La với sự tham gia của 51 hộ dân.
Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ tư vấn về kỹ thuật, hỗ trợ 70% kinh phí mua giống, phân bón, vôi, thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ cỏ.
|
Qua quá trình theo dõi, hỗ trợ mô hình tại 2 địa phương, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, hầu hết các hộ nông dân đều chăm sóc cây lúa theo đúng quy trình, các đợt bón phân đều bón tập trung, đủ lượng và điều tiết nước đầy đủ. Trong giai đoạn lúa trổ bông, các hộ dân đã thực hiện đúng và kịp thời việc phun thuốc Fuji-one để phòng trị bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt theo hướng dẫn. Qua đó, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều, cây cứng, nhánh khỏe và rất ít nhánh vô hiệu.
Vừa qua, các hộ dân tham gia mô hình tại xã Tân Lập và xã Đăk La đã tiến hành thu hoạch lúa. Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năng suất của mô hình tại xã Tân Lập và Đăk La đạt từ 60-70 tạ/ha. Chất lượng gạo dẻo, đậm, mùi thơm nhẹ, hợp thị hiếu của nhiều người tiêu dùng và có giá thu mua cao hơn 20% so với các giống lúa khác đang sản xuất đại trà tại địa phương.
Với kết quả này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đánh giá, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ST24 tại 2 địa phương đã triển khai đúng kế hoạch, tiến độ mùa vụ và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Giống lúa ST24 phù hợp với điều kiện sản xuất của huyện Kon Rẫy nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung, có thời gian sinh trưởng từ 105-110 ngày (tương đương với những giống lúa khác), cây đẻ nhánh khỏe, ít bị đổ ngã trong thời tiết mưa và gió lốc của vụ mùa.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sản xuất lúa chất lượng cao ST24 theo tiêu chuẩn VietGAP, bà con cần lưu ý, không sản xuất trên đất bị ô nhiễm, bị ảnh hưởng bởi chất thải công nghiệp, bệnh viện, nghĩa trang, các nguồn ô nhiễm khác hoặc đất sử dụng phân bón hóa học lâu năm.
Giống lúa sản xuất phải là giống cấp nguyên chủng hoặc xác nhận. Có độ thuần cao, cỡ hạt đồng nhất, sạch bệnh, sạch cỏ dại và lúa cỏ, có tỷ lệ nảy mầm trên 80%. Gieo trồng nên sử dụng giống 11-12kg/sào.
Chỉ sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam. Không sử dụng phân bón có nguy cơ ô nhiễm cao, như phân hữu cơ truyền thống chưa qua xử lý (ủ hoai mục), rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp chưa qua chế biến. Không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, có thể áp dụng các biện pháp như IPM, ICM. Vệ sinh, bảo dưỡng dụng cụ phun thuốc sau mỗi lần sử dụng. Khu vực chứa thuốc bảo vệ thực vật phải tách biệt với khu vực sản xuất và kho chứa lúa.
Chú ý phòng bệnh bạc lá và lem lép hạt trong vụ mùa. Nên sử dụng máy gặt dải hàng hoặc gặt đập liên hợp để cắt lúa. Trong trường hợp dùng máy gặt dải hàng thì sử dụng máy đập lúa trục dọc để tuốt lúa.
Ghi chép nhật ký sản xuất và lưu hồ sơ về vùng sản xuất, đất, giống, phân bón, nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật, vị trí và mã số của lô sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm và các thông tin khác theo quy định của VietGAP. Bao bì chứa sản phẩm phải có nhãn mác để giúp việc truy nguyên nguồn gốc được dễ dàng.
Đức Thành