02/01/2023 18:51
Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân A Bích say sưa kể về cồng chiêng cũng như quãng thời gian gắn bó sâu đậm với chiêng cồng. Dù đã lớn tuổi nhưng khi được nói về chiêng, mắt ông sáng bừng lên ngọn lửa đam mê và ông cảm giác như mình được trẻ lại.
Ông A Bích cho biết, từ khi còn nhỏ, được bố mình và các nghệ nhân khác chỉ dạy cồng chiêng và cách cảm âm nên ông có khả năng nghe và cảm nhận âm thanh rất tốt. Vì thế, dù hiện giờ ông không am hiểu về nhạc lý nhiều nhưng đôi tai nhạy cảm đã cho ông khả năng nghe và diễn tấu thành thục bất kỳ bài chiêng nào khi được tiếp xúc.
|
Nói về cách tập và truyền dạy chiêng của mình, nghệ nhân A Bích chia sẻ: “Trong một bài chiêng, quan trọng nhất là giữ nhịp, tiết tấu một cách nhịp nhàng, ăn khớp giữa các thành viên với nhau. Đối với phần diễn tấu giai điệu, tôi luôn truyền dạy các thành viên có thể sáng tạo, thêm bớt trong “khuôn khổ” cho phép. Bởi bên cạnh giai điệu chính, trong một bài hát có rất nhiều tuyến giai điệu nhỏ để phụ họa, và với khả năng của nhiều thành viên thì không thể nào nhớ hết được nên có thể lược bớt hoặc tự do “chêm” vào cho phù hợp”.
Cũng chính vì biết đánh chiêng từ khi còn nhỏ nên nghệ nhân A Bích sớm được theo cha ông đi nhiều nơi để biểu diễn. Những lần như thế đều là cơ hội để ông thể hiện được khả năng vượt trội của mình so với bạn bè cùng lứa. Ông được bầu là đội trưởng đội chiêng trẻ và được các nghệ nhân gạo cội ra sức rèn luyện, bồi dưỡng.
Đến nay, với vai trò là đội trưởng đội chiêng của làng, ông thành lập được đội cồng chiêng người lớn và đội cồng chiêng thanh thiếu niên với trên 40 người tham gia. Chính cách dạy linh hoạt, phù hợp và với những bí quyết “bỏ túi” mà ông truyền dạy, các thành viên trong đội chiêng luôn duy trì sự tập luyện hào hứng và tiến bộ rất nhanh, thường xuyên tham gia vào các lễ hội lớn nhỏ của địa phương, của tỉnh. Tại Hội thi cồng chiêng, múa xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ Nhất năm 2022 vừa rồi, ông đã dẫn dắt đội nghệ nhân của làng với 18 thành viên đạt giải Nhì toàn đoàn với tiết mục “Xuống giống” gây ấn tượng với nhiều du khách và ban giám khảo.
|
Chia sẻ về thành tích ấn tượng này, nghệ nhân A Bích hào hứng: “Chúng tôi đã chờ đợi cuộc thi từ rất lâu, những nỗ lực tập luyện của chúng tôi thời gian qua đã được đền đáp. Để chuẩn bị cho cuộc thi, chúng tôi phải trải qua rất nhiều buổi tập luyện và cuộc thi nhỏ tại địa phương. Cũng nhờ vậy mà sau cuộc thi, ngoài những danh hiệu quý giá, kỹ năng đánh chiêng của mọi người đều tốt hơn hẳn”.
Hiện tại, mỗi khi chuẩn bị có một chương trình biểu diễn hay lễ hội nào, nghệ nhân A Bích lại tập hợp mọi người đem chiêng ra lau chùi, chỉnh âm và bắt đầu tập dượt lại các tiết mục. Việc tập luyện chỉ mất khoảng 1 tuần vì hầu hết các bài hát, giai điệu đều được mọi người thuộc làu từ trước. Theo ông, mỗi buổi tập luyện là một cơ hội để các thành viên giao lưu, tăng thêm tình đoàn kết.
“Tôi luôn tâm niệm và dạy các thành viên trong đội rằng, việc tập luyện phải diễn ra hằng ngày như cơm ăn, nước uống. Tập chiêng không nhất thiết là phải có chiêng bên cạnh mà tập bằng đôi tai, bằng cảm nhận, bằng sự tưởng tượng cho các giai điệu như ngấm vào máu thịt, như thế mới là cách tập đúng. Khi âm thanh đã trở nên quen thuộc như giọng nói văng vẳng bên tai, thì lúc ấy đánh chiêng sẽ chính xác, lưu loát và có hồn” – nghệ nhân A Bích chia sẻ.
Ngoài việc duy trì tập luyện cho đội chiêng người lớn, hiện tại, nghệ nhân A Bích cũng đảm nhận luôn việc dạy cho các nghệ nhân cồng chiêng nhí tại làng. Đối với “nghệ nhân nhí”, ông thường tập theo nhóm nhỏ, linh hoạt về thời gian để cho các em thoải mái trong học tập và vui chơi.
Ông cho biết: “Đối với các em nhỏ, tôi luôn có cách tập riêng, không gò ép mà hướng tới việc khơi gợi, hình thành kỹ năng cơ bản cho các em. Chính những buổi tập luyện như thế đã giúp các em có một nơi để vui chơi sau những giờ học trên lớp, tránh xa các trò chơi độc hại. Tôi thường khuyên các em rằng hãy thường xuyên đi lễ hội, xem người lớn đánh chiêng, múa hát để có những cảm nhận, yêu thích giai điệu truyền thống. Từ đó sẽ “đánh thức” khả năng âm nhạc trong mỗi em một cách tự nhiên”.
Em A Nghiệp (17 tuổi) là thành viên của đội chiêng chia sẻ: Trước đây em luôn nghĩ mình sẽ không chơi được chiêng. Đến khi được già A Bích chỉ dạy thì em mới chăm chỉ tập luyện và nhận ra chỉ cần được chỉ dạy và kiên trì sẽ làm được.
|
Những năm qua, huyện Kon Rẫy luôn chú trọng bảo tồn và phát huy vốn di sản văn hóa truyền thống của DTTS trên địa bàn. Trong hành trình đó, những nghệ nhân có tài và tâm huyết như nghệ nhân A Bích đã có công đóng góp rất lớn. Tại cuộc thi cồng chiêng, múa xoang các DTTS huyện Kon Rẫy lần thứ Nhất, đội cồng chiêng của nghệ nhân A Bích cũng đã có những tiết mục xuất sắc, trong đó tiết mục “Xuống giống” đạt giải Nhất và được chọn là tiết mục tiêu biểu đi thi cấp tỉnh.
Dù đã cao tuổi nhưng nghệ nhân A Bích vẫn đam mê, miệt mài “giữ lửa” và truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, mong muốn thế hệ trẻ tiếp tục phát huy, gìn giữ văn hóa cồng chiêng bởi cồng chiêng như là “linh hồn” không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội của dân tộc mình. Từ những cống hiến của mình, nghệ nhân A Bích cũng đã vinh dự được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, trình diễn văn hóa dân gian.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, đời sống sinh hoạt của bà con đồng bào DTTS cũng có nhiều thay đổi. Nắm bắt được điều ấy, nghệ nhân A Bích cũng linh hoạt, có cách tập luyện và duy trì riêng của mình để tạo sự hào hứng, đoàn kết nhưng không ảnh hưởng đến đời sống của mỗi cá nhân.
Nghệ nhân A Bích tâm sự: Đối với tôi, việc tập luyện không cần quá hình thức, cầu kỳ, không cần nhiều về số lượng nhưng luôn tạo sự hứng thú, đoàn kết, chia sẻ từ các thành viên với nhau là thành công. Khi tất cả đồng lòng rồi thì mọi người sẽ tự giác tập luyện và duy trì, không cần ai nhắc nhở.
HOÀNG THANH