17/09/2024 06:05
Có dịp gặp nghệ nhân A Hlik ở một số sự kiện văn hóa tại địa phương, chúng tôi ấn tượng bởi khả năng đánh chiêng điêu luyện và hăng say “tiếp lửa” cho các nghệ nhân khác ở anh.
Lần gần nhất, khi nghe chúng tôi muốn tìm hiểu về việc tập luyện và truyền dạy cồng chiêng tại làng, A Hlik mừng lắm vì có dịp được giới thiệu, lan tỏa những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của bà con Gia Rai nơi đây.
Nghệ nhân A Hlik đưa chúng tôi đến nhà rông văn hóa của làng, nơi lưu giữ bộ cồng chiêng quý. Bộ cồng chiêng có 21 chiếc, được A Hlik cùng các già làng, trưởng thôn chung tay quản lý, phục vụ thường xuyên cho việc tập luyện và biểu diễn tại các lễ hội lớn, nhỏ tại địa phương.
|
Cẩn thận lau chùi và vuốt ve những chiếc cồng, chiêng đen bóng, nghệ nhân A Hlik khoe: “Bộ này do bà con dân làng góp tiền mua từ lâu, cũng hư hỏng nhiều nhưng ai cũng quý, muốn giữ lại, không muốn thay bộ mới vì gắn bó nhiều kỷ niệm. Cái nào hư, sứt mẻ, bà con lại góp tiền để đi sửa chữa, hàn nối lại rồi dùng tiếp. Làng có truyền thống yêu chiêng, yêu âm nhạc nên từ già trẻ, gái trai ai cũng ý thức trong việc giữ gìn và phát huy”.
Vừa nói, A Hlik vừa khiêng cả bộ cồng chiêng ra mái hiên nhà rông để cho chúng tôi xem. Dưới nắng chiều rực rỡ, những chiếc cồng chiêng càng thêm sáng bóng. A Hlik chọn lấy một chiếc rồi thử âm, từng tiếng phát ra chắc nịch, trầm hùng vang vọng cả một góc làng.
A Hlik đánh chiêng không cần nhìn, chỉ dùng tai để nghe và đôi tay rà trên mặt chiêng để cảm nhận. Cồng chiêng đã gắn bó với nghệ nhân A Hlik nhiều năm nên dường như đã thành tri kỷ, anh và chiêng như “hiểu nhau” từng chút một.
“Lúc nhỏ được nhìn bố đánh chiêng tôi thấy thích lắm. Tiếng chiêng vang lên nghe rất mạnh mẽ, uy lực, mang lại may mắn cho bà con. Vì yêu thích nên tôi mày mò tìm hiểu từng chút một, lâu dần biết đánh và thành thạo” - A Hlik nhớ lại.
Thành thạo những kỹ thuật cơ bản của chiêng khi mới 17 tuổi, cộng với năng khiếu, A Hlik sáng tạo và tạo nhiều nét riêng, độc đáo trong cách đánh chiêng của mình. Chẳng mấy chốc anh được nhiều người biết đến là tay chiêng có tiếng trong vùng. Mỗi khi được biểu diễn cùng chiêng, A Hlik như hòa với chiêng làm một.
|
Với niềm say mê bất tận với những nhịp chiêng, từ khi còn là thành viên trẻ trong đội chiêng của làng, A Hlik đã năng nổ, tích cực tập luyện, cùng với các nghệ nhân lớn tuổi phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
Đến nay, dù được bầu làm đội trưởng đội cồng chiêng tuy chưa lâu (vào năm 2023), nhưng A Hlik đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động văn hóa tại làng. Anh đã tuyển chọn, tập hợp những người giỏi, có chung đam mê lên kế hoạch tập luyện, biểu diễn, truyền dạy cho lớp trẻ trong làng. Ngoài việc tập kỹ thuật, nghệ nhân A Hlik còn tích cực tuyên truyền, vận động cho mọi người hiểu tầm quan trọng của cồng, chiêng đối với văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc để mỗi người ra sức giữ gìn, phát huy.
Thành tích gần nhất mà nghệ nhân A Hlik mang lại cho đội cồng chiêng của làng mình đó là tại Hội thi cồng chiêng, múa xoang các DTTS xã Ia Chim lần thứ 2 được tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua. Anh đã chọn bài, lên kế hoạch tập luyện cho cả đội và góp phần giúp cho tiết mục chung của làng Plei Druân đạt giải Nhất, gây ấn tượng sâu sắc với người xem.
Nghệ nhân A Hlik chia sẻ: “Bài chiêng tôi chọn cho cả đội tập trong cuộc thi vừa rồi được lấy ý tưởng từ bài chiêng cổ. Hồi đó được các nghệ nhân lớn tuổi trong làng chỉ dạy nhưng theo thời gian bị quên dần, tôi không nhớ được hết các nốt và tiết tấu. May mắn được đi học lớp dạy chỉnh chiêng do Sở VH,TT&DL tổ chức trong tháng 6 vừa qua, tôi được các thầy chỉ dạy tìm lại thang âm cổ của dân tộc, đồng thời giúp khôi phục lại bài chiêng đã quên. Tôi đem bài ấy cho cả đội tập để dự cuộc thi vừa rồi và đạt kết quả cao, ai cũng phấn khởi lắm”.
Đội chiêng của làng Plei Druân hiện có tổng cộng 15 người. Những ngày này, cả đội đang tích cực tập luyện để chuẩn bị cho Hội thi cồng chiêng, múa xoang các DTTS thành phố Kon Tum lần thứ 2, dự kiến được tổ chức vào tháng 9. Tiết mục đạt giải Nhất của làng Plei Druân tại hội thi cấp xã được chọn để đại diện đi thi cấp thành phố.
Dưới sự hướng dẫn của Đội trưởng A Hlik, mọi người ai cũng hào hứng tập luyện vì đây là cơ hội để giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình đến với các địa phương khác.
|
Vừa gõ những thanh âm theo nhịp điệu của Đội trưởng A Hlik, vừa nhún nhảy theo từng nhịp cồng sôi động, nghệ nhân A Glí (52 tuổi), người gắn bó lâu năm với đội chiêng, cho biết: “Thời gian gần đây cả đội được đi giao lưu, biểu diễn nhiều nơi nên thấy rất vui. Một thời gian dài đội chiêng không có đội trưởng nên phong trào tập luyện cũng đi xuống. Từ khi bầu A Hlik làm đội trưởng, phong trào cồng chiêng của làng đi lên. Các em nhỏ trong làng thấy thế nên cũng thích được học đánh chiêng, trống, múa xoang giống người lớn”.
Chia sẻ về dự định của mình, nghệ nhân A Hlik cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng để tự sửa chữa những bộ chiêng tại làng, đồng thời, sửa giúp những vùng lân cận. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu để khôi phục, ghi chép lại được nhiều bài chiêng do cha ông truyền dạy đã bị mai một, qua đó, sáng tạo và ứng tấu thêm cho phù hợp, dùng để tập luyện và tham gia biểu diễn, giao lưu.
Trong rộn ràng tiếng cồng, tiếng chiêng dưới mái nhà rông, các thành viên đội chiêng làng Plei Druân như “hòa làm một”, thêm đoàn kết, gắn bó. Qua đó, càng thêm trân trọng tấm lòng của những nghệ nhân tâm huyết gìn giữ, phát huy văn hóa dân tộc nơi đây, trong đó có nghệ nhân A Hlik.
Hoàng Thanh