15/11/2022 13:01
Trong chuyến tác nghiệp với một người bạn đang công tác tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi nghe anh kể đôi nét kiến trúc độc đáo của nhà rông làng Kon Rôn, xã Ngọc Réo. Không bỏ lỡ, tôi bắt chuyện và từ quá trình nghiên cứu, anh cho hay: Trên địa bàn tỉnh, người Tơ Đrá (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) có mặt ở nhiều nơi. Đa phần họ đều có những điểm chung về kiến trúc, văn hóa truyền thống và phong tục. Tuy nhiên, nếu xét riêng về kiến trúc nhà rông, thì có lẽ làng Kon Rôn là đặc biệt hơn cả. Bởi bà con nơi đây đã xây dựng nên một công trình rất riêng, độc đáo.
Những gì anh nói đã kích thích sự tò mò trong tôi, nên một ngày đầu tháng 11, tôi lên đường về làng Kon Rôn. Đồng hành với tôi là anh A Rớp - cán bộ phụ trách Văn hóa - Thông tin xã Ngọc Réo, người sinh ra và lớn lên tại làng Kon Rôn.
|
Vừa đi, anh A Rớp vừa chia sẻ: Về kiến trúc nhà rông thì tôi chưa rành lắm! Nhưng nhà báo đừng lo, tôi đã hẹn trước với già làng U Đang rồi, già sẽ giới thiệu chi tiết với anh về những nét độc đáo của nhà rông.
Từ rất xa, tôi đã thấy mái nhà rông cao vút nổi bật lên giữa nền trời xanh. Khi trực tiếp quan sát nhà rông ở cự ly gần, tôi thán phục nói với anh A Rớp: Nhà rông làng mình đẹp quá. Có lẽ đây là ngôi nhà rông lớn nhất mà tôi từng được thấy đấy.
Anh A Rớp tự hào: “Nhà rông của làng dài 22m, rộng 9m. Nếu chỉ xét trên địa bàn xã Ngọc Réo thì đây là nhà rông lớn nhất! Nhưng nhà báo đừng vội ngạc nhiên, bởi nét độc đáo của ngôi nhà rông không chỉ nằm ở kích thước, mà còn ở kiến trúc, không gian văn hóa bên trong”.
Nghe thấy tiếng nói chuyện bên ngoài, già U Đang đi từ trong nhà rông ra đón chúng tôi. Dẫn chúng tôi vào bên trong nhà rông, già U Đang chậm rãi giới thiệu: So với nhà rông của những nơi khác, đa phần đều có 4 trụ dọc, thì nhà rông làng Kon Rôn chỉ có 3 trụ, nhưng các trụ gỗ này đều là những thân cây lớn hơn một vòng tay người ôm.
Theo già U Đang chia sẻ, nhà rông được bà con tu sửa, xây dựng từ năm 2015, sau khi căn nhà cũ đã bị xuống cấp nặng bởi thời gian. Theo quan niệm của người Tơ Đrá nơi đây, nhà rông càng to lớn, càng chứng minh cho sức mạnh, sự kiên cường của con người trước thiên nhiên. Cũng chính vì lý do đó, nên nhà rông làng Kon Rôn được xây dựng to lớn, bề thế.
|
Điển hình như 3 trụ dọc to lớn của nhà rông, trước đây dân làng phải tốn nhiều ngày liền mới có thể vận chuyển từ rẫy về. Anh A Rớp nhớ lại: Ngày đó, để kéo mỗi thân cây về phải tập trung hơn 300 người. Mỗi thân cây được buộc khoảng 3 đoạn dây thừng lớn, mọi người ra sức kéo. Dưới sự chỉ huy của già U Đang, cả làng đều tham gia góp công trong việc xây dựng nhà rông. Ròng rã hơn 3 tháng, “trái tim” của cả làng đã được thành hình trong niềm vui của mọi người.
Mái nhà rông làng Kon Rôn không lợp từ tranh như thường thấy, mà thay vào đó, bà con sử dụng lá mây. Từng sợi lạt được bà con chẻ ra từ tre bện với lá mây để tạo nên phần mái. Phần khung của mái nhà rông được làm hoàn toàn từ cây nứa. Thân cây nứa cũng được gia cố thêm độ cứng cáp, kiên cố bằng các sợi lạt bện lại với nhau để tạo bộ khung chắc chắn cho nhà rông.
Bên trong nhà rông được thiết kế với 2 cửa và 2 bếp lửa. Tùy vào từng lễ hội, bà con sẽ quy định cửa ra, cửa vào khác nhau. Đồng thời việc đặt bếp lửa ở gần cửa không chỉ mang ý nghĩa giữ lửa cho nhà rông, mà còn để thuận tiện trong việc phục vụ ăn uống của cả làng trong mỗi lễ hội.
Nét độc đáo nhất trong kiến trúc nhà rông làng Kon Rôn chính là “Luôm Khuôm”. Từ “Luôm Khuôm” ở đây ý chỉ một tấm gỗ lớn hình đuôi cá, nối liền với trụ dọc chính giữa nhà rông. Trên bề mặt “Luôm Khuôm”, bà con vẽ các họa tiết tỉ mỉ, bao gồm 3 màu chủ đạo trắng, đỏ và đen. Theo lời già U Đang, những họa tiết này mang ý nghĩa về cuộc sống, mỗi họa tiết tượng trưng cho thiên niên, con người, mùa màng…
Già U Đang chia sẻ, sở dĩ kiến trúc ngôi nhà rông làng Kon Rôn có những điểm riêng biệt, là bởi bà con trong làng đã quyết định giữ nguyên kiến trúc cũ của người Tơ Đrá từ thời xa xưa.
“Trước khi làm nhà rông mới, già làng U Bôi, dù đã 110 tuổi nhưng còn minh mẫn lắm, đã cho dân làng xem một mô hình nhà rông bằng gỗ do chính tay già đẽo, khắc khi còn trẻ, thể hiện rõ các chi tiết kiến trúc nhà rông truyền thống của người Tơ Đrá. Sau khi nghiên cứu kỹ, dân làng đã xây dựng nên nhà rông như hiện tại”- già U Đang nhớ lại.
Mải mê tìm hiểu những nét văn hóa, kiến trúc độc đáo của ngôi nhà rông làng Kon Rôn, tôi không để ý khi hoàng hôn buông xuống. Chia tay già làng U Đang và anh A Rớp, tôi ngắm lại nhà rông một lần nữa, khắc ghi trong tâm trí hình ảnh ngôi nhà rông trong ánh chiều đẹp đến mê hồn!
TẤT THÀNH