Thành phố Kon Tum: Người dân chật vật vì thiếu nước sinh hoạt

23/04/2024 06:07

Hơn 1 tháng nay, cuộc sống, sinh hoạt của khoảng 126 hộ dân xã Hòa Bình, phường Trần Hưng Đạo và nhiều giáo viên, học sinh của Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo trên địa bàn thành phố Kon Tum bị đảo lộn vì thiếu nước sạch phục vụ các nhu cầu cơ bản.

Tại phường Trần Hưng Đạo, theo thống kê sơ bộ của UBND phường, hiện trên địa bàn có khoảng 40 hộ dân và 1 điểm trường Tiểu học thuộc Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo sử dụng nguồn nước giếng đào đang thiếu nước dùng nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Công Hùng (tổ 4, phường Trần Hưng Đạo) cho biết: Gần 2 tháng nay, giếng nước của gia đình tôi đã cạn kiệt, mỗi ngày chỉ bơm vét được vài thùng nước, nhưng bị nhiễm phèn rất nặng. Hàng ngày, 5 người nhà tôi phải xuống nhà con gái lớn cách nhà tôi hơn 1km để tắm giặt, rồi thay nhau chở nước về để nấu ăn, rửa rau, rửa bát. Nhiều nhà ở trong khu vực này cũng rơi vào tình cảnh trên, phải đi xin nước từ các gia đình có giếng khoan hoặc giếng đào ở khu vực thấp hơn, lượng nước còn nhiều về sử dụng.

Theo ông Hùng, xưa nay, bà con trong vùng luôn có truyền thống chia sẻ nguồn nước với nhau lúc hạn hán; nhưng nếu nắng nóng tiếp tục tiếp diễn, các giếng đều hết nước thì rất khó để hỗ trợ nhau. Hơn nữa, mỗi ngày đi làm về, người dân lại phải lỉnh kỉnh xách can, thùng đi xin nước thì vô cùng bất tiện, khổ cực.

Mỗi tuần, UBND phường Trần Hưng Đạo chở 2 - 3 bồn nước xuống hỗ trợ cho điểm trường của Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo. Ảnh: T.H

 

Câu chuyện thiếu nước sinh hoạt ở phường Trần Hưng Đạo không phải mới xảy ra trong mùa khô năm nay mà đã từng diễn ra trong các mùa khô trước đây. Được biết, để chủ động nguồn nước, nhiều gia đình ở khu vực tổ 3, tổ 4 - những “điểm nóng” về hạn hán của phường Trần Hưng Đạo đã tự bỏ tiền để khoan giếng hoặc đào thêm giếng; nhưng không phải nhà nào cũng may mắn khoan hoặc đào được giếng có nguồn nước dồi dào, bởi có những điểm gặp phải tầng đá bên dưới không thể đào sâu nên rất ít nước. Chưa nói, chi phí khoan, đào giếng hiện nay tương đối cao nên không phải gia đình nào cũng có thể làm được.

Không chỉ người dân, hơn 1 tháng qua, các giáo viên và học sinh điểm trường Tiểu học thuộc Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo cũng phải thực hành tiết kiệm nước tối đa, vì giếng của nhà trường đã cạn kiệt.

Cô Nguyễn Thị Hoàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học- Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo cho biết: Trường có 2 điểm, nhưng may mắn điểm trường Trung học cơ sở vẫn đảm bảo nguồn nước nhờ có sự hỗ trợ từ phía người dân và nhà thờ; còn điểm Tiểu học thực sự rất khó khăn. Điểm trường này có 1 giếng đào, sâu trên 30m, nhưng hiện nay, mỗi ngày chỉ bơm được khoảng 700 - 800 lít nước mà phải canh liên tục, cứ 4 - 5 tiếng, giáo viên và bảo vệ thay nhau ra bơm 1 lần. Để đảm bảo nước dùng cho giáo viên và hơn 400 học sinh, thời điểm khi mới hạn, hàng ngày, các giáo viên kéo ống nước đi xin nước của những  hộ dân lân cận, bơm về bể chứa dự trữ. Tuy nhiên, hiện tại giếng nước của các gia đình này cũng không đảm bảo nên nhà trường phải nhờ UBND phường Trần Hưng Đạo mỗi tuần chở 2- 3 bồn nước (loại 2.000 lít) hỗ trợ cho nhà trường.

Theo cô Hoàn, bình thường điểm trường này cần khoảng 4.000- 5000 lít nước/ngày để phục vụ nhu cầu cần thiết của giáo viên và học sinh. Nhưng vì thiếu nước, nên giáo viên thường nhắc nhở, hướng dẫn học sinh dùng nước tiết kiệm hết mức, cây cối không dám tưới. Nhà trường có 3 khu vệ sinh thì cũng phải đóng cửa 1 khu nhằm giảm bớt lượng nước tiêu thụ.

Tương tự, tại xã Hòa Bình, thời điểm này, 86 hộ dân sử dụng giếng đào cũng rơi vào tình cảnh thiếu nước dùng.

Ông Huỳnh Xuân Ba phải dự trữ nước vào can, thùng dùng để nấu ăn, uống. Ảnh: TH

 

Ông Huỳnh Xuân Ba (thôn 2, xã Hòa Bình) chia sẻ: Giếng nhà tôi sâu 25m, nhà chỉ có 2 vợ chồng già mà vẫn không đủ dùng. Cứ 2- 3 ngày, tôi mới bơm một lần mà cũng không được đầy bồn (1.000 lít), nước vừa đục, vừa phèn nên chỉ dùng để tắm giặt, còn nước dùng để ăn uống thì các con tôi phải thay nhau chở tới rồi trữ vào can, thùng để dùng dần.

Theo kinh nghiệm của ông Ba, tình cảnh thiếu nước sẽ còn trầm trọng hơn trong những ngày tới và phải đến cuối tháng 5, khi thời tiết mưa nhiều thì các giếng mới có nước trở lại.

Ông Mai Thu Nhi A- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Mấy năm trước, xã Hòa Bình đã được đầu tư 1 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung, nhưng  mới có gần 1/2 số hộ dân trong xã nằm ở khu vực thuận lợi được sử dụng; còn lại người dân vẫn phải dùng nước giếng đào, giếng khoan. Nắng nóng kéo dài khiến mực nước các giếng đào xuống thấp, nhiều gia đình không đủ nước dùng. Trước tình hình này, UBND xã Hòa Bình tuyên truyền vận động các hộ dân nạo vét giếng nước, chia sẻ nguồn nước sinh hoạt giữa các hộ trong cụm dân cư, sử dụng nước thật tiết kiệm, tránh lãng phí. Thời gian tới, nếu tình trạng thiếu nước nghiêm trọng hơn, xã Hòa Bình sẽ đề nghị Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn hỗ trợ đưa nước đến các điểm dân cư bị thiếu để cấp nước cho người dân.

Nhằm ứng phó với hạn hán, đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt của nhân dân, UBND thành phố Kon Tum chỉ đạo các xã, phường trên địa bàn phân công cán bộ phụ trách thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt để có biện pháp chống hạn riêng cho từng khu vực; tích cực tuyên truyền vận động người dân dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước để dự trữ nước sinh hoạt; sẵn sàng phương án chở nước từ nơi khác đến để cung ứng cho người dân. Đồng thời, đề nghị các đơn vị quản lý công trình cấp nước sinh hoạt  tăng cường biện pháp quản lý, phân phối nước, kiểm tra hệ thống đầu mối, bể lắng lọc, đường ống; đóng khóa van, vòi tại các vị trí không cần thiết, điều tiết đưa nước đến các vị trí bất lợi nhất…

Bên cạnh đó, UBND thành phố  Kon Tum tiếp tục làm việc và đề nghị với Công ty TNHH cấp nước Kon Tum tổ chức khảo sát, lắp đặt hệ thống cấp nước phục vụ nước sinh hoạt cho nhân dân, trong đó, ưu tiên cho những khu vực thường xuyên thiếu nước.

Thiên Hương

Chuyên mục khác