14/05/2025 13:03
|
Theo công bố ngày 6/4/2025 của Bộ Nội vụ, Chỉ số PAR INDEX năm 2024 của tỉnh Kon Tum có 88,27 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2023 (43/63).
Phân tích kết quả đo lường, xác định Chỉ số PAR INDEX tỉnh Kon Tum năm 2024 của Bộ Nội vụ cho thấy, nhiều chỉ số thành phần đều ghi nhận thứ hạng khả quan. Như cải cách chế độ công vụ xếp hạng 18/63; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số 18/63; cải cách tài chính công xếp hạng 31/63; cải cách thể chế đứng vị trí 32/63; cải cách tổ chức bộ máy hành chính xếp thứ 37/63.
Đặc biệt, chỉ số đánh giá tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đứng thứ 29/63.
Có thể nói đây là một bước tiến mới trong cải cách hành chính của tỉnh. Thứ hạng mới này càng có ý nghĩa hơn khi 3 năm trước, năm 2021, Chỉ số PAR INDEX của tỉnh chỉ xếp thứ 59/63 tỉnh, thành phố, với 82,45 điểm.
Sau đó, với quyết tâm cải thiện, nâng cao thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp cụ thể.
Trong đó, theo dõi công bố TTHC, danh mục TTHC các ngành, lĩnh vực kịp thời, đảm bảo theo quy định; kịp thời công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC.
Nâng cao tỉ lệ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC được trả đúng hạn, trước hạn (tỉ lệ trả hồ sơ kết quả giải quyết TTHC đúng hạn, trước hạn tối thiểu đạt 95% đối với từng cơ quan). Nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình, tỉ lệ thực hiện thanh toán trực tuyến trong giải quyết TTHC.
Đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đồng bộ đến các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình; 68,9% dịch vụ công có phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến; 81,07% hồ sơ trực tuyến được thực hiện toàn trình; tỷ lệ TTHC được tích hợp, triển khai thanh toán trực tuyến đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 99,65%
Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, tiến độ thực hiện sắp xếp các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh. Thường xuyên hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo vị trí việc làm và cơ cấu ngạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện kết nối các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành của tỉnh tích hợp, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia (NDXP) và đưa vào sử dụng chính thức
Thường xuyên thực hiện rà soát thủ tục hành chính (TTHC) thực hiện trên địa bàn tỉnh để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các TTHC, nội dung, quy định không còn phù hợp với quy định của pháp luật. Nhiều TTHC không cần thiết, rườm rà, phức tạp, gây phiền toái đã được loại bỏ, mang lại thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2024, UBND tỉnh đã phê duyệt bãi bỏ, thay thế 321 TTHC.
Nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã, gắn kết quả giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức với việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Những giải pháp trên đã đem lại sự cải thiện liên tục của Chỉ số PAR INDEX trên “bảng xếp hạng” cả nước.
Năm 2022, Chỉ số PAR INDEX xếp thứ 55/63, tăng 4 bậc so với năm 2021; năm 2023 Chỉ số PAR INDEX đạt 86,14 điểm, xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, so với năm 2022 tăng 12 bậc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên (sau tỉnh Đăk Lăk). Và năm 2024, với thứ hạng 33/63, lần đầu tiên Kon Tum vươn lên đứng đầu khu vực Tây Nguyên về cải cách hành chính.
Kết quả này cho thấy nỗ lực quyết liệt và hiệu quả của chính quyền trong chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cũng cho thấy hoạt động chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính tại các địa phương ngày càng có những chuyển biến tích cực cả về tư duy, hành động và hiệu quả đạt được trong thực tiễn.
Đây cũng là tiền đề rất quan trọng để tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thời gian tới.
|
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Sâm, Chỉ số PAR INDEX là công cụ quan trọng đánh giá kết quả, tác động của cải cách hành chính một cách toàn diện, khách quan, đa chiều; giúp các địa phương phân tích, so sánh và xác định rõ những mặt tích cực và chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong từng nội dung, nhiệm vụ CCHC để có biện pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nâng chất lượng phục vụ nhân dân.
Tất nhiên, vẫn có những hạn chế, tồn tại không đáng có trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhiều lĩnh vực, khiến người dân bức xúc, gây trở ngại cho nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ của nền hành chính công.
Điều này cũng lý giải vì sao Chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính vẫn xếp hạng thấp, 51/63. Hay Chỉ số thành phần về công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính ở hạng 52/63.
Vì vậy, để tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đáp ứng được yêu cầu phát triển và sự mong đợi của người dân, các địa phương cần nghiên cứu, phân tích dữ liệu, xác định rõ những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, từ đó triển khai các giải pháp, biện pháp khắc phục đối với từng nội dung, nhiệm vụ cụ thể. Từ đó nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nâng chất lượng phục vụ nhân dân.
Thành Hưng