Quyết liệt hơn trong phân loại rác

20/09/2024 06:20

Kế hoạch số 3103/KH-UBND ngày 31/8/2024 của UBND tỉnh xác định đảm bảo lộ trình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 (chậm nhất là ngày 31/12/2024). Điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các ngành liên quan và chính quyền địa phương.

Mục tiêu của Kế hoạch số 3103 là nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn, từng bước hình thành thói quen và ý thức tự giác thực hiện việc phân loại CTRSH tại nguồn ở từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.

Tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng. Giảm khối lượng CTRSH phải xử lý theo phương án chôn lấp trực tiếp, qua đó tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Đồng thời tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Từng bước kiện toàn lại hệ thống, mạng lưới thu gom, vận chuyển CTRSH đáp ứng các yêu cầu trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý, tái chế CTRSH đã được phân loại tại nguồn theo quy định.

Sẽ rất khó thực hiện phân loại rác thải tại nhà khi công nghệ thu gom, xử lý chưa được đổi mới. Ảnh: H.L

 

Trên thực tế việc thí điểm phân loại rác tại nguồn được triển khai ở tỉnh ta cách đây hơn 10 năm tại 3 phường nội thành của thành phố Kon Tum là Quang Trung, Thắng Lợi, Duy Tân.

Tuy nhiên, mô hình thí điểm chỉ tồn tại không lâu rồi nhanh chóng rơi vào lãng quên. Việc phân loại rác tại nguồn chỉ còn là... ký ức của một số người dân còn mang cảm giác nuối tiếc về một mô hình dang dở.

Hiện nay, hầu hết hộ gia đình đều có chung một cách “ứng xử” với rác thải sinh hoạt. Đó là bỏ chung tất cả các loại rác thải, từ vô cơ, hữu cơ đến rác thải y tế (bông gạc, khẩu trang…) vào một bì nilon, hoặc túi, sau đó bỏ vào các thùng rác cỡ lớn.

Ngay cả đơn vị chuyên làm nhiệm vụ thu gom, xử lý rác cũng còn cách xử lý cũ với CTRSH. Đó là dù được phân loại hay chưa, đều dồn lại một chỗ, đem đi đốt, chôn lấp, do chưa có phương tiện thu gom riêng đối với từng loại CTRSH.

Bởi vậy, đa số người dân thắc mắc rằng phân loại rác từ nhà làm gì, khi mà công nhân môi trường cũng gom chung vào một xe, đem lên bãi rác chôn lấp như các loại rác thải khác?

Và cho tới bây giờ, sẽ không quá khi nói rằng chỉ có… người mua phế liệu và cơ sở thu gom phế liệu mới “phân loại rác”. Tất nhiên, họ chỉ nhặt nhạnh những gì có thể bán lấy tiền, chứ không phải vì bảo vệ môi trường.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân kéo tụt Chỉ số thành phần Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong xếp hạng Chỉ số Tăng trưởng xanh năm 2023 của tỉnh ta.

Theo công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, VCCI, năm 2023 Chỉ số thành phần Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tỉnh ta đạt 4,44 điểm, xếp thứ 61/63 tỉnh thành phố, và đứng thứ 5 khu vực Tây Nguyên.

Đầu năm 2023, phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở tỉnh ta đã được “luật hóa” tại Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND ngày 4/4/2023 của UBND tỉnh.

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phân loại chất thải tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng- Khoản 2, Điều 4, Quy định về quản lý chất thải mới được ban hành kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND nêu rõ.

Nhưng sau một năm, Quy định này vẫn chưa đi vào thực tế đời sống. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế; chế tài xử lý vi phạm chưa được thực thi nghiêm.

Cần quyết tâm hơn trong thực hiện phân loại rác thải tại nhà. Ảnh: HL

 

Đi cùng đó, khâu đầu tư xây dựng một hệ thống thu gom, xử lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu phân loại rác từ nguồn chưa được chính quyền và đơn vị thu gom, xử lý rác thải chú trọng.

Ngày 31/8/2024, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Kế hoạch số 3103/KH-UBND về triển khai công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định quyết tâm đảm bảo lộ trình thực hiện phân loại CTRSH theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 (chậm nhất là ngày 31/12/2024).

Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn của các ngành, đơn vị liên quan và chính quyền địa phương.

Trước hết, từ nay đến ngày 31/12/2024, mỗi huyện, thành phố phải xây dựng được 1 mô hình thí điểm về phân loại CTRSH từ hộ gia đình, cá nhân tại những khu vực có đủ điều kiện về hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH.

Triển khai đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTRSH; hệ thống các công trình, biện pháp, thiết bị công cộng phục vụ quản lý CTRSH.

Ban hành quy trình kỹ thuật và hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH hộ gia đình, cá nhân theo khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại theo quy định.

Các tổ chức, cá nhân tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH có kế hoạch chuyển đổi từ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH hỗn hợp sang thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH sau phân loại.

Xây dựng lộ trình, kế hoạch đầu tư phương tiện, trang thiết bị, công nghệ phù hợp. Tiếp nhận đúng loại CTRSH đã được phân loại, tránh trường hợp CTRSH sau khi phân loại xong không được xử lý triệt để.

Tất nhiên, để triển khai phân loại rác tại nguồn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. Kinh nghiệm của các đô thị khác cho thấy, không có nơi nào thành công trong quản lý chất thải sinh hoạt nếu không có sự tham gia của cộng đồng dân cư, đặc biệt là ý thức của mỗi người dân.

Vì thế, việc tuyên truyền, giáo dục cộng đồng càng phải được chú trọng, mang tính liên tục và lâu dài, trong đó, phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể, như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong hệ thống chính trị phải tiên phong, gương mẫu thực hiện. Đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, công dân nơi cư trú cùng thực hiện, hình thành ý thức tự giác tiến hành phân loại CTRSH tại nhà. 

Hồng Lam

Chuyên mục khác