Chủ động tránh hiểm nguy

19/09/2024 06:05

Là một trong những địa phương luôn nằm trong diện cảnh báo lũ và sạt lở đất, để đảm bảo an toàn tính mạng nhân dân, cần triển khai quyết liệt và chủ động đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Những ngày qua, trong bao mất mát đau thương do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra, chuyện thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (Lào Cai) thoát nạn vì kịp di dời trước khi quả đồi sau làng đổ ụp xuống, giúp vơi bớt nỗi đau. 

Theo thông tin trên báo chí, ngày 9/9, sau khi phát hiện vết nứt rộng trên đồi phía sau làng, anh Ma Seo Chứ- Trưởng thôn Kho Vàng quyết định di tản 17 hộ dân với 115 người trong thôn lên một quả núi cách thôn 1km.

Đến 16 giờ cùng ngày, tất cả 115 người dân đã đến nơi an toàn. Sáng hôm sau, quả đồi phía sau đã đổ ụp xuống làng trong mưa lớn.

Báo chí và mạng xã hội cho rằng, quyết định sáng suốt, thần tốc và chuẩn xác của anh Chứ đã giúp 115 nhân khẩu ở thôn Kho Vàng thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”.

Nhưng có những khu vực, những ngôi làng lại không được may mắn như vậy. Đặc biệt tang thương là thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), nơi xảy ra trận lũ ống tàn khốc vào sáng 10/9. Số người chết tính đến chiều 15/9 là 52 người, 14 người vẫn mất tích.

Sạt lở ngày càng thường xuyên và nghiêm trọng. Ảnh: H.L

 

Rõ ràng là, bên cạnh sự quan tâm, nỗ lực hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống, cũng cần có giải pháp căn cơ lâu dài để phòng tránh thảm họa. Trong đó, bố trí nguồn lực thực hiện các dự án đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm.  

Tỉnh ta cũng là một trong những địa phương luôn phải đối mặt với hiểm họa từ lũ quét và sạt lở đất. Hàng năm, mưa lũ và sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề và ngày càng xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng hơn.

Nhắc đến lũ quét, sạt lở đất không thể không nhớ đến những ký ức đau buồn do cơn bão số 9/2009 gây ra. Mưa lũ, sạt lở xảy ra trên diện rộng, vùi lấp nhà dân, cuốn trôi ruộng lúa, vườn tược và gây ách tắc giao thông; tổng giá trị thiệt hại lên đến 3.415 tỷ đồng.

Rất đau lòng khi toàn tỉnh có 51 người chết và 38 người bị thương. Và Tu Mơ Rông là cái tên gây đau xót nhất bởi số người chết chiếm hơn nửa. Nhiều thôn làng bị cô lập bởi sạt lở đất, hoặc đứng trước nguy cơ sạt lở; có thôn bị lũ quét san phẳng.

Bởi vậy, việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch ứng phó thiên tai trên toàn tỉnh, được quan tâm triển khai nhiều năm qua.

Chính quyền chọn mặt bằng tái định cư với sự thống nhất của các già làng. Người dân được vận động, giải thích, với sự vào cuộc tích cực của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và già làng, người có uy tín, để hiểu rõ phải di dời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.

Làng tái định cư Tu Thó đang trở thành điểm đến du lịch của huyện Tu Mơ Rông. Ảnh: HL

 

Từ các nguồn vốn, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư các dự án bố trí, sắp xếp dân cư lớn như: Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring (nay thuộc xã Đăk Long), huyện Đăk Hà; Dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn huyện Đăk Glei; các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trên địa bàn huyện Sa Thầy.

Riêng huyện Tu Mơ Rông đã triển khai xây dựng 12 khu tái định cư trên địa bàn 7 xã phục vụ di dời người dân ở vùng nguy cơ sạt lở.

Khi đến nơi ở mới, bà con được cấp đất ở và sản xuất; hỗ trợ tiền làm nhà, lương thực và sinh kế. Hạ tầng cơ bản tại nơi ở mới, như đường xá, trường học, điện, nước sạch cũng được đầu tư xây dựng cơ bản. Cuộc sống của người dân dần ổn định trên những “ngôi làng an toàn”.

Trong một lần đến thôn tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông), tôi cảm nhận rất rõ cuộc sống mới của bà con. Thôn nằm trên khu đất bằng phẳng, có hạ tầng được đầu khang trang, đường sá rộng rãi, tách hẳn vùng nguy hiểm. Người dân ăn ngủ êm ấm, không còn phải nghe tiếng đất lở, nước réo trong suốt mùa mưa bão.

“Chủ trương dời toàn bộ làng đến nơi ở mới của chính quyền là rất sáng suốt, đúng đắn và kịp thời”- dân làng nói.

Theo Kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024 (ban hành kèm theo Quyết định số 245/QĐ-UBND ngày 4/5/2024), trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm vị trí được cảnh báo có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, có thể đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân.

Như ở huyện Kon Plông, khu vực lũ quét, sạt lở đất trải rộng ở các thôn Đăk Pông, Đăk Lanh (xã Măng Bút); Đăk Xa, Vi Rô Ngheo, Đăk Prồ (xã Đăk Tăng); Đăk Da, Đăk Lâng (xã Đăk Ring); Tu Ngú, Tu Thôn (xã Đăk Nên); Măng Krí, Măng Nách, Kíp Linh (xã Ngọk Tem; Vi Ô Lắc (xã Pờ Ê);  Kon Plinh, Kon Piêng (xã Hiếu); Kon Brinh (thị trấn Măng Đen); Kon Năng (xã Măng Cành).

Hay ở thành phố Kon Tum, khu vực lũ quét, sạt lở đất trải dọc sông Đăk Bla (đoạn cầu Chà Môm, Kon Tu 1, xã Đăk Bla đến cầu bệnh viện 24, Kon Sơ Lam 1, phường Trường Chinh; Kon Rờ Bàng 1, KonNgo Kơtu, xã Vinh Quang; khu vực cầu Hnor phường Lê Lợi.

Huyện Tu Mơ Rông cũng khá nhiều khu vực nguy cơ sạt lở, như khu dân cư thôn Tân Ba (xã Tê Xăng); các thôn Đăk Dơn, Long Lái (xã Măng Ri); đường liên thôn các xã Tu Mơ Rông, Đăk Sao, Đăk Na, Văn Xuôi; tuyến đường đi xã Ngọc Yêu...

Điều này đồng nghĩa với một thực tế là nhiều ngôi làng, khu dân cư, nhiều hộ dân ở các vùng nguy hiểm cần được di dời đến nơi an toàn.

Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm đầu tư thúc đẩy phương án di dời trên tinh thần chủ động. Nơi nào có nguy cơ sạt lở cao thì phải tổ chức di dời ngay chứ không đợi tới sạt lở rồi mới thực hiện.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn, cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân những nơi chưa di dời được tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho chính mình; tuân thủ và tích cực phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng khi được yêu cầu, tuyệt đối tránh tư tưởng chủ quan. 

Hồng Lam

Chuyên mục khác