Thông điệp từ đại ngàn

04/12/2023 06:19

Diễn ra từ ngày 29/11-1/12/2023, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum, năm 2023 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Những dư âm về sắc màu văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc tại Ngày hội đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu.

Đắm chìm trong sắc màu văn hóa dân gian

Ngày hội diễn ra chỉ trong 3 ngày nhưng thật sự là một “đại tiệc” văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vùng Tây Nguyên. Đến với Ngày hội, cộng đồng các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên được chia sẻ niềm vui, giới thiệu những đặc trưng văn hóa của đồng bào mình, giao lưu và tạo sự gắn kết qua các hoạt động thể thao, du lịch. Ngày hội kết thúc thành công đã hun đúc thêm lòng tự hào, tự tôn về văn hóa truyền thống của cộng đồng các DTTS vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng.

Ngày hội như một “bữa tiệc” âm nhạc của cộng đồng các DTTS Tây Nguyên. Ảnh: H.T 

 

Để tạo sự đa dạng, trải nghiệm phong phú cho người dân và du khách, các hoạt động tại Ngày hội được tổ chức tập trung tại Quảng trường 16/3 (thành phố Kon Tum) đã tạo thành một không gian văn hóa rộng lớn, đậm đà bản sắc. Bên cạnh đó, một số hoạt động thể thao, du lịch, giao lưu văn hóa được tổ chức tại một số điểm du lịch trên địa bàn như nhà rông Kon Klor, làng du lịch Kon Ktu, thị trấn Măng Đen. Đây đều là những nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phong phú, đặc sắc về vùng đất và người Kon Tum, cũng như nhiều nét tương đồng về các giá trị của cộng đồng dân tộc Tây Nguyên. Qua đó, tạo được không khí phấn khởi, đoàn kết, lòng tự hào về các giá trị văn hoá truyền thống để cộng đồng các DTTS Tây Nguyên ra sức giữ gìn và phát huy.

Đánh giá về Ngày hội, bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc (Bộ VH, TT&DL), Phó Trưởng Ban tổ chức Ngày hội cho biết, trong 3 ngày diễn ra Ngày hội, các đoàn nghệ nhân đã mang đến nhiều tiết mục đặc sắc, hấp dẫn, trình diễn bằng cả trái tim, đầy cảm xúc đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Nhiều hoạt động hấp dẫn đã làm nổi bật được chủ đề tại Ngày hội là “Đại ngàn Tây Nguyên – Tinh hoa hội tụ”. Đặc biệt, những nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng 5 tỉnh Tây Nguyên được thể hiện qua nhiều không gian văn hóa đặc sắc. Tiêu biểu như không gian trưng bày, giới thiệu văn hóa đặc trưng các cộng đồng dân tộc Tây Nguyên thông qua hiện vật như tranh, ảnh, sách, tờ gấp; mô hình hiện vật, nhạc cụ, trang phục truyền thống của dân tộc, nghề thủ công, thổ cẩm, sản vật của địa phương. Tỉnh Kon Tum đã tạo được ấn tượng sâu đậm cho du khách với gian hàng trưng bày hàng trăm hiện vật, bản đồ du lịch, sản phẩm truyền thống; những bộ sưu tập quý giá như ghè, gùi, thổ cẩm, trang sức; các gian hàng OCOP đặc sắc, hấp dẫn của 10 huyện thành phố như thịt heo, trâu gác bếp, măng ớt, măng khô, mật ong, cà phê, mắc ca, sản phẩm dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, ngũ vị tử. Từ đó, đã góp phần quảng bá tiềm năng kinh tế và du lịch của tỉnh nhà đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân, cộng đồng các dân tộc vùng Tây Nguyên.

Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại Ngày hội. Ảnh: HT

 

Người dân, du khách trên khắp cả nước còn được sống trong một không gian đa sắc màu, rộn rã âm thanh sống động, huyền bí, hào hùng của núi rừng Tây Nguyên qua nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, làn điệu dân ca, âm nhạc dân gian, cồng chiêng giàu bản sắc. Nhiều tiết mục của tỉnh Kon Tum đã để lại ấn tượng đặc biệt với người dân và khách du lịch, làm nao nức lòng người xem như chương trình giao lưu trình diễn nghệ thuật dân gian “Làng Hồ Âm và Sắc”; cồng chiêng, múa xoang trong tiết mục “Mừng hội làng (Nep Play Pu)”; hát giao duyên dạt dào cảm xúc với “Tình yêu” (La Jơ) của dân tộc Giẻ Triêng; hát dân ca “Giữ rừng Răk Bri” ; cồng chiêng, xoang mừng nhà rông mới (Nhiap Nhiah Mao Nao); Diễn tấu nhạc cụ sôi động, hấp dẫn với tiết mục “Đuổi chim” (Jôhl Chem).

Tại Ngày hội, cộng đồng các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên còn cùng nhau tạo nên bức tranh đa sắc màu, hấp dẫn với phần trình diễn, giới thiệu trang phục truyền thống của các dân tộc: Giẻ Triêng, K’ Ho, M’Nông, Mạ, Ê Đê, Gia Rai, Ba na…tạo sự hấp dẫn, thu hút người xem. Các bộ trang phục được thể hiện từ kiểu dáng, họa tiết, sắc màu đã minh chứng sự sáng tạo, sự tinh tế thông qua bàn tay khéo léo, tôn lên vẻ đẹp tự nhiên, hồn nhiên, hấp dẫn riêng, tạo nên lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Giữa sôi động, náo nhiệt của âm thanh, người dân và du khách lại có dịp tĩnh lặng, tìm về chốn linh thiêng, huyền bí qua các nghi lễ, lễ hội được cộng đồng các DTTS tái hiện như: Tái hiện nghi lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê Đê tỉnh Đăk Lăk; lễ cúng chiêng của người Kơ Ho S’rê ở Lâm Đồng; Lễ hội mừng mùa (Răm Rhơn Lôch Kach Koi) của dân tộc M’Nông tỉnh Đăk Nông. Đặc biệt, Lễ mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) của đoàn Kon Tum là một trong những nghi lễ được tái hiện công phu và có thời lượng dài nhất với đoàn nghệ nhân 30 người. Tiết mục này đã thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, những người đam mê nghệ thuật, nhiếp ảnh, nghiên cứu văn hóa truyền thống.

 Dư âm còn mãi

Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung đánh giá, thông qua các hoạt động sôi động, giàu bản sắc văn hóa của Ngày hội, đại biểu, du khách gần xa đã được chứng kiến và được thưởng thức những giai điệu âm thanh, giàu bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc 5 tỉnh Tây Nguyên giúp cho chúng ta hiểu biết, yêu quý, trân trọng và giữ gìn các di sản văn hoá quý giá của đồng bào các dân tộc nói chung, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng.

Tái hiện Lễ mở cửa kho lúa của người Rơ Măm ở làng Le. Ảnh: HT

 

“Điều này sẽ tạo sự gắn kết, sợi dây kết nối, xây dựng sự đoàn kết giữa các địa phương, các đoàn nghệ nhân, diễn viên quần chúng của các tỉnh. Đây là cơ hội để bản sắc văn hóa các dân tộc được lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước về sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương đặc biệt là các nghệ nhân (chủ thể văn hóa) đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các của các dân tộc Tây Nguyên trong vườn hoa đa sắc của 54 dân tộc anh em. Sau Ngày hội, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng sẽ có thêm động lực cùng nhau tiếp tục phát huy tinh thần của Ngày hội về với bản làng, có thêm kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình” - bà Nguyễn Thị Hải Nhung nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Văn Bình – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong bối cảnh tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh đầu tư thu hút, phát triển du lịch, Ngày hội là sự kiện mang nhiều ý nghĩa góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống. Ngày hội đã khép lại nhưng những dư âm về sắc màu văn hóa tỉnh Kon Tum nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung sẽ còn mãi, góp phần khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc, đẩy mạnh phát triển hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của các tỉnh Tây Nguyên.

Nghệ nhân đẽo tượng tại không gian trưng bày sản phẩm truyền thống. Ảnh: HT

 

“Sau thành công của Ngày hội, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng có của vùng đất Kon Tum. Qua đó, hình thành nên một thương hiệu riêng về “Kon Tum – đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống”, góp phần phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đã xác định “Xây dựng nền văn hóa Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hóa khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng”– ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm.

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác