Thổ cẩm cách tân- Hướng đi mới để phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống

10/11/2022 13:07

Với đồng bào DTTS ở Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung, thổ cẩm đã gắn liền với cuộc sống của họ từ bao đời. Vốn là nghề truyền thống, nên rất nhiều người già, trung niên, bé gái biết dệt, biết thêu. Họ đã không ngừng lao động bền bỉ, tinh tế, tỉ mẩn và sáng tạo để dệt ra những tấm thổ cẩm với hoa văn, họa tiết đa dạng, sống động, đậm đà bản sắc.

Tuy nhiên, thời trang cũng giống như nhiều lĩnh vực ngành nghề khác, luôn vận động và phát triển không ngừng. Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, sự tiếp cận và giao lưu văn hóa ngày càng mạnh mẽ, quan niệm thẩm mĩ của người dân cũng dần thay đổi. Những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống xuất hiện ít dần, chúng chỉ được mặc trong các dịp lễ hội hoặc sự kiện trọng đại của làng thay vì mặc hàng ngày như trước đây. Vì vậy, nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng ngày càng mai một, nhiều địa phương đã không thể giữ nổi nghề.

Đến với một nơi mà nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn còn giữ vững và hoạt động thường ngày, đó là Làng du lịch cộng đồng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum. Ở đây, các chị vẫn miệt mài với thổ cẩm.

Chị Y Xanh - một nghệ nhân dệt thổ cẩm cho hay: Ở làng còn khoảng 7 chị em dệt thổ cẩm thường xuyên, ngoài ra còn có nhiều chị em khác cũng tham gia công việc này mỗi khi nông nhàn.

Trình diễn “Áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên” tại thị trấn Măng Đen. Ảnh: N.B

 

Chị cho biết: Thời điểm trước khi có dịch Covid-19 (năm 2019), sản phẩm thổ cẩm dệt thủ công ở đây bán rất tốt, hàng làm ra đến đâu là hết đến đó nhờ lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan ở làng rất đông. Nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, lượng hàng tiêu thụ không đáng kể do lượng du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến đây không nhiều. Chị em yêu nghề nên vẫn tiếp tục dệt cầm chừng, số lượng sản phẩm dệt ra không nhiều, chủ yếu tiêu thụ nhờ những khách hàng quen đặt trước. Chúng tôi hi vọng, ảnh hưởng dịch bệnh sẽ nhanh chóng qua đi, để du khách đến làng ngày càng nhiều hơn và các chị em lại có động lực gắn bó, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của làng mình.

Một địa điểm sản xuất, kinh doanh thổ cẩm khác rất có tiếng ở Kon Tum, đó là cửa hàng thổ cẩm Y Thoai trên đường Bắc Kạn, thành phố Kon Tum. Cửa hàng kinh doanh rất nhiều sản phẩm thổ cẩm khác nhau, từ trang phục truyền thống đến trang phục cách tân và cả túi xách, khăn choàng, mũ nón.

Cũng giống như nhiều cửa hàng kinh doanh thổ cẩm khác, chị cũng gặp khó khăn trong giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành nhưng với sự yêu nghề và muốn cho những nghệ nhân ổn định cuộc sống, chị đã đổi mới cách thức kinh doanh bằng cách đa dạng hóa mặt hàng, kết hợp giữa thổ cẩm truyền thống với thổ cẩm dệt máy, vải các loại để tạo ra những bộ trang phục cách tân phù hợp với thị hiếu của khách hàng bên cạnh những bộ trang phục truyền thống.

Nhờ vậy, sản phẩm của cửa hàng được bán ra đều đều, đảm bảo thu nhập cho 32 nghệ nhân dệt thổ cẩm đang làm việc. Gần đây, chị Y Thoai cũng đã kết hợp với các đối tác ở Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh để sản xuất ra những sản phẩm thổ cẩm từ tơ lụa được dệt tay hoàn toàn bởi những nghệ nhân dưới sự hướng dẫn của chị.

Theo chị Y Thoai, mặc dù sản phẩm thổ cẩm dệt máy giá rất rẻ, chỉ từ 300.000 - 400.000 đồng một tấm (khổ 70cm x 400cm) trong khi sản phẩm thổ cẩm truyền thống dệt bằng tay có cùng kích thước giá từ 1.200.000-1.500.000 đồng nhưng nhiều khách hàng vẫn thích những bộ trang phục cách tân có phối với thổ cẩm dệt tay truyền thống bởi sự tinh tế, hoa văn đa dạng, đặc trưng chứa đựng tâm hồn và trái tim của những nghệ nhân làm ra nó.

Chị cho biết thêm, hiện nay các mặt hàng trang phục truyền thống chỉ chiếm khoảng 40% doanh thu của cửa hàng, doanh thu còn lại từ thời trang thổ cẩm cách tân và các sản phẩm khác từ thổ cẩm dệt tay truyền thống.

Một cửa hàng chuyên bán thổ cẩm cách tân khác là cửa hàng thổ cẩm Cà Rốt của chị Y Dương ở làng Plei Don, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum. Chị Dương cho hay, cửa hàng của chị chuyên bán các mẫu thời trang thổ cẩm cách tân và chủ yếu sử dụng vải thổ cẩm dệt tay truyền thống. Tuy nhiên, nếu có khách hàng đặt may các bộ trang phục truyền thống chị vẫn làm.

Thời trang cách tân tại cửa hàng của chị Dương rất đa dạng từ các bộ trang phục truyền thống cách điệu một ít về hoa văn đến các chân váy hiện đại, áo sơ mi, quần tây, đầm dạ hội, áo dài… có phối hợp với thổ cẩm dệt tay truyền thống.

 Chị Dương mới kinh doanh các sản phẩm thời trang cách tân này được hơn 2 năm nên chưa nhiều người biết đến cửa hàng của chị. Nhưng nhờ tận dụng các mối quan hệ để tìm nguồn hàng thổ cẩm dệt tay truyền thống kết hợp với sự sáng tạo để tạo ra những sản phẩm thời trang cách tân độc đáo và tận dụng những hiểu biết để quảng bá sản phẩm qua mạng internet, mỗi ngày chị cũng “chốt” được từ 10 đến 50 đơn hàng.

Mới đây, nhà thiết kế nổi tiếng Minh Hạnh phối hợp với UBND huyện Kon Plông tổ chức buổi trình diễn “Áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên” tại thị trấn Măng Đen (diễn ra trong hai ngày 29 - 30/10/2022) đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài tỉnh đến xem. Theo nhà thiết kế Minh Hạnh, xuất phát từ nét đẹp độc đáo của thổ cẩm truyền thống Tây Nguyên và tình yêu thương với những nghệ nhân dệt thổ cẩm ở đây, chị muốn làm một điều gì đó trong khả năng của chị để gìn giữ, bảo tồn và phát triển thổ cẩm Tây Nguyên, giới thiệu cho giới thời trang biết về một sản phẩm thổ cẩm độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng. Qua đó giúp nghề dệt thổ cẩm ngày càng phát triển, giá trị của những nghệ nhân được công nhận và cuộc sống của họ được cải thiện hơn.

Sự đa dạng hóa các sản phẩm thời trang có sử dụng thổ cẩm dệt tay truyền thống và cách điệu những bộ trang phục truyền thống không những đáp ứng được nhu cầu thị hiếu, thẩm mỹ về thời trang ngày càng cao của khách hàng mà còn góp phần gìn giữ, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở nhiều địa phương.

Nguyễn Ban

Chuyên mục khác