Thành phố Kon Tum tích cực bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

17/05/2024 13:02

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên 36% dân số trên địa bàn thành phố Kon Tum là đồng bào DTTS; có 60/80 thôn, làng đồng bào DTTS phân bổ tại 17/21 xã, phường trên địa bàn. Thời gian qua, thành phố tích cực gìn giữ, bảo tồn tốt các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tại chỗ.

Thời gian qua, địa phương quan tâm công tác bảo tồn, khôi phục nhà rông truyền thống, cân đối nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn lực hỗ trợ, đóng góp của xã hội để xây dựng nhà rông. Nhờ vậy, hầu hết các thôn, làng DTTS trên địa bàn đã có nhà rông.

Nhà rông thôn Kon Rờ Bàng 1 (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) được xây dựng hoàn thành vào năm 2022 với tổng kinh phí gần 600 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại do người dân đóng góp tiền và ngày công lao động. Tuy được làm bằng vật liệu bán truyền thống, về cơ bản nhà rông vẫn giữ gìn phần kiểu dáng và kiến trúc đảm bảo theo nguyên mẫu nhà rông truyền thống của đồng bào dân tộc Ba Na. Từ ngày có nhà rông, bà con rất vui mừng vì có nơi để tổ chức các hoạt động, sinh hoạt cộng đồng, tăng sự đoàn kết, gắn bó

Tích cực duy trì và phát triển các đội nghệ nhân lành nghề trong vùng đồng bào DTTS. Ảnh: H.T

 

Trong suốt quá trình xây dựng nhà rông, chị Y Blek (Trưởng thôn Kon Rờ Bàng 1) tích cực cùng chính quyền địa phương vận động, tổ chức cho dân làng góp công, sức, tìm nguyên vật liệu để dựng nhà rông. Chị Y Blek cho biết, khi hoàn thành nhà rông bà con rất vui vì có nơi để sinh hoạt, hội họp, tổ chức chào cờ sáng thứ 2 hàng tuần. Cả thôn lên kế hoạch bảo vệ và giữ gìn nhà rông, khi có hư hỏng thì cùng đóng góp để tu sửa, không để xuống cấp, mai một.

Ngoài bảo tồn nhà rông truyền thống, văn hóa cồng chiêng được địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy, hỗ trợ kinh phí trang bị cồng chiêng, tổ chức các lớp truyền dạy, giao lưu văn hóa, liên hoan cồng chiêng, múa xoang hàng năm. Toàn thành phố hiện có 135 đội cồng chiêng, xoang; hơn 3.000 người (ở các lứa tuổi) biết biểu diễn cồng chiêng.

Tiêu biểu như đội cồng chiêng của Trường THCS Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum) đến nay có trên 30 em học sinh tham gia. Mang trong mình niềm tự hào dân tộc và tình yêu cồng chiêng, các thành viên trong đội luyện tập rất chăm chỉ, đánh được nhiều bài chiêng hay. Quá trình tập luyện, học sinh được nhà trường, thầy cô, các nghệ nhân động viên, tiếp sức, truyền lửa đam mê, kiến thức, kĩ thuật điêu luyện.

Thầy giáo Lê Cao Trinh (Trường THCS Trần Hưng Đạo) cho biết: Thời gian qua, nhà trường đẩy mạnh các hoạt động tập luyện cồng chiêng, múa xoang cho các em học sinh gắn với công tác giáo dục truyền thống trong trường học. Hàng tháng, nhà trường phối hợp tổ chức các hoạt động tập luyện, giao lưu cồng chiêng, xoang cho các em. Bên cạnh đó, đội cồng chiêng, xoang của nhà trường tích cực tập luyện, biểu diễn trong các ngày lễ, hội thi do địa phương tổ chức.

Giữ gìn và phát huy các sản phẩm nghề truyền thống. Ảnh: HT

 

Thành phố Kon Tum hiện còn lưu giữ rất nhiều nghề thủ công truyền thống như đan lát, làm rượu cần, chế tác nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc... Các nghề này luôn được giữ gìn, phát huy, tạo lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn.

Một trong những nghề truyền thống có nhiều khởi sắc trong thời gian qua là dệt thổ cẩm. Địa phương đã hỗ trợ thành lập 8 tổ hợp tác dệt thổ cẩm thu hút nhiều phụ nữ DTTS tham gia. Bên cạnh sản phẩm thiết kế truyền thống, bà con đã sáng tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, phù hợp với xu hướng thị hiếu hiện đại. Đến nay, nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na và nghề dệt thổ cẩm truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) tại thành phố Kon Tum đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngoài ra, nghề đẽo thuyền độc mộc cũng có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên số người duy trì đẽo thuyền độc mộc tại thành phố Kon Tum không còn nhiều. Vì vậy, địa phương quan tâm đầu tư, phục dựng, tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, thi đấu nhằm khuyến khích việc gìn giữ và phát triển số lượng thuyền độc mộc, vận động viên đua thuyền là đồng bào DTTS. Lễ hội đua thuyền độc mộc truyền thống luôn thu hút người dân, du khách đến xem, là cơ hội để mọi người chiêm ngưỡng, khám phá văn hóa truyền thống, tham gia tranh tài sôi nổi.

Để khai thác, quảng bá, phát triển bền vững các nét đẹp văn hóa đặc trưng của đồng bào các DTTS tại chỗ, thành phố Kon Tum còn tập trung xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, khu du lịch sinh thái trên địa bàn. Toàn thành phố hiện có 4 điểm du lịch cộng đồng được công nhận cấp tỉnh gồm: Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu, Làng du lịch cộng đồng Kon Jơ Dri, Làng du lịch cộng đồng Kon Klor, Điểm du lịch A Biu. Các điểm du lịch cộng đồng cơ bản khẳng định được vị trí trong hoạt động du lịch, tạo ra giá trị kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Trong thời gian tới, thành phố Kon Tum tiếp tục tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn để thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị di sản văn hóa của các DTTS. Đồng thời, gắn việc bảo tồn, phát huy các giá trị với các hoạt động du lịch, sự kiện văn hóa được tổ chức hàng năm; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách cho nghệ nhân; quy hoạch vùng nguyên vật liệu truyền thống; đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm kê và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể.    

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác