Rộn ràng Ngày hội của các dân tộc vùng Tây Nguyên

01/12/2023 06:05

Với nhiều hoạt động phong phú, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023 đã mang đến không khí rộn ràng, tạo nên một bức tranh sinh động, đa âm thanh, màu sắc văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên.

Tham gia Ngày hội có hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên thuộc các dân tộc 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng hội tụ về mảnh đất Kon Tum trình diễn những nét văn hóa đặc sắc nhất cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của các đoàn đã tạo nên bức tranh toàn cảnh, đa sắc màu, tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc vùng Tây Nguyên.

Đại tiệc âm thanh cồng chiêng và sắc màu thổ cẩm ở Ngày hội. Ảnh: NS 

 

Tại Quảng trường 16/3 (thành phố Kon Tum), mỗi đoàn nghệ nhân được bố trí một vị trí ở khu vực để tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, phục dựng lễ hội, trình diễn cồng chiêng, liên hoan văn nghệ quần chúng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm. Đây chính là hình thức đưa sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trở về gần hơn với cuộc sống đời thường.

Đến với Ngày hội, Đoàn Gia Lai có gần 100 nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên quần chúng. Trong đó, hơn 30 nghệ nhân tham gia biểu diễn các hoạt động văn hóa như: Phục dựng lễ cúng giọt nước người Gia Rai; liên hoan văn nghệ các tiết mục “Tỏ tình bên suối”, “Chim Pơ rơ tốc”; tiết mục hòa tấu nhạc cụ “Mừng chiến thắng”; trình diễn trang phục truyền thống của dân tộc Ba Na, Gia Rai, Tày.

Theo đó, các nghệ nhân dân tộc Gia Rai của tỉnh Gia Lai đã tạo nên một không gian lễ hội độc đáo, thông qua việc phục dựng nguyên bản nghi lễ cúng giọt nước. Nghệ nhân Rơ Châm Yol (Đoàn Gia Lai) chia sẻ: Tham gia phục dựng có hơn 30 nghệ nhân. Lễ cúng giọt nước của người Gia Rai thường tổ chức vào tháng 4 hoặc tháng 5 (dương lịch). Lễ cúng có ý nghĩa cầu thần linh cho nước sạch, nước trong, dân làng khỏe mạnh, no ấm, mùa màng bội thu. Để thực hiện lễ cúng giọt nước, nghi thức cúng phải đủ 3 thầy cúng. Vật phẩm cho lễ cúng gồm 1 con heo, 1 con gà, 1 rượu ghè và 1 nắm lá rừng. Sau khi cúng xong, mọi người cùng hòa vào nhịp chiêng, điệu xoang và thưởng thức rượu cần.

Nghệ nhân đoàn Gia Lai đang tỉ mỉ hướng dẫn du khách đan lát. Ảnh: NS

 

Ngoài ra, Đoàn Gia Lai còn mang đến những hoạt động đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na và Gia Rai như: đan lát, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ và tạc tượng. Đặc biệt, các nghệ nhân của Gia Lai cho du khách trực tiếp trải nghiệm đan lát, dệt thổ cẩm. Đang say sưa hướng dẫn du khách đan chiếc gùi, nghệ nhân A Líp (đoàn Gia Lai) vui vẻ nói: “Tôi rất vui khi được tham dự Ngày hội lần này. Qua đây, nhiều người sẽ biết về đời sống và nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na, Gia Rai của tỉnh Gia Lai. Đồng thời, chúng tôi cũng biết và học hỏi thêm về nét văn hóa cũng như kinh nghiệm của nghệ nhân các dân tộc khác trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống”.

Bên cạnh các hoạt động chính, Ngày hội lần này còn đem đến đại tiệc âm thanh từ cồng chiêng và màu sắc rực rỡ trong trang phục các dân tộc Tây Nguyên. Khác với nhiều DTTS ở Bắc Tây Nguyên dùng bộ gõ từ cây rừng để đánh cồng chiêng, người K’ho (tỉnh Lâm Đồng) lại dùng tay đánh trên những bộ chiêng không có núm. Theo Nghệ nhân ưu tú Ka Thế (đoàn Lâm Đồng), người K’ho thường dùng nắm tay đánh vào mặt chiêng để tạo ra âm thanh chân thực, mộc mạc nhất, con người cũng kết nối với tự nhiên và thần linh một cách hoang sơ, nguyên thủy nhất.

Nếu như người Gia Rai ở Gia Lai hay người Ba Na ở Kon Tum mang trang phục thổ cẩm đen-đỏ rất đặc trưng đến Ngày hội thì trang phục thổ cẩm người K’ho (đoàn Lâm Đồng) lại góp sắc với 3 gam màu gồm trắng, xanh, đen nổi bật, tạo ấn tượng khác biệt.

Nghệ nhân đoàn Lâm Đồng đang dệt thổ cẩm tại Ngày hội. Ảnh: NS

 

Nữ nghệ nhân dệt thổ cẩm Ka Ren (Đoàn Lâm Đồng) cho biết: “Từ nghề dệt truyền thống của người phụ nữ, mỗi dân tộc lại sáng tạo trang phục truyền thống mang màu sắc riêng. Còn người K’ho chúng tôi thì màu trắng dành cho đàn ông, màu xanh và đen dành cho phụ nữ. Điều đặc biệt, khi tham gia Ngày hội, tôi thấy các dân tộc ở Kon Tum mặc trang phục theo kiểu choàng hoặc quấn, đây là loại trang phục rất cổ xưa, đặc trưng, vô cùng độc đáo”.

Với Ngày hội lần này, các nghệ nhân Đoàn Lâm Đồng mong muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa, những phong tục truyền thống của người K’ho để giao lưu, học hỏi với các dân tộc khác. Bởi lẽ, họ thấy văn hóa truyền thống rất thiêng liêng và quan trọng trong đời sống hiện nay. Nó giúp cộng đồng đoàn kết, gắn bó với nhau hơn.

Cùng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao hấp dẫn, Ngày hội còn có phần trưng bày, giới thiệu sản phẩm truyền thống và OCOP của các địa phương như: Thịt bò một nắng, heo gác bếp, muối kiến, rượu cần, sâm, cà phê. Đây cũng là dịp để đồng bào DTTS của 5 tỉnh giao lưu, quảng bá đặc sản của dân tộc mình.

Nay Săt

Chuyên mục khác