Ngọc Hồi: Giữ gìn và phát triển văn học, nghệ thuật dân gian

02/06/2024 13:28

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn học, nghệ thuật dân gian của các DTTS trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã và đang được quan tâm, góp phần lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn thêm đa dạng và phong phú.

Huyện Ngọc Hồi hiện có 48 thôn, làng DTTS; đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 54,9% (tương ứng 35.398 người), gồm 17 dân tộc, mỗi một dân tộc có bản sắc văn hoá độc đáo riêng. Chính sự hội tụ đa sắc tộc ấy đã góp phần làm cho đời sống văn hóa tinh thần của các DTTS trên địa bàn hết sức đa dạng, đa sắc và độc đáo, trong đó có văn học, nghệ thuật dân gian.

Kho tàng văn học, nghệ thuật dân gian độc đáo của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Ngọc Hồi phong phú, đa dạng là nhờ sự cấu thành văn học, nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.  Các dân tộc như Brâu (làng Đăk Mế, xã Pờ Y), Xơ Đăng, Gié Triêng, Thái, Mường, đều còn lưu giữ nhiều truyện cổ, hát ru, nhạc cụ truyền thống, mỹ thuật dân gian, dệt thổ cẩm, cồng chiêng, xoang.

Huyện Ngọc Hồi tổ chức Hội thi tái hiện lễ hội, diễn xướng dân ca các dân tộc năm 2024. Ảnh: NB

 

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, văn học, nghệ thuật dân gian nói riêng trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có nhiều khởi sắc.

Cụ thể, trong việc gìn giữ nhà rông truyền thống, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn vận động nhân dân đóng góp ngày công lao động, hỗ trợ kinh phí cho các thôn DTTS chung tay xây dựng, sửa chữa nhà rông. Tính đến tháng 2/2024, trên địa bàn huyện có 33 nhà rông/38 thôn DTTS tại chỗ; 100% thôn có nhà rông đã phát huy chức năng của nhà rông văn hoá, vừa bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống, vừa thực hiện chức năng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Hoạt động hỗ trợ và truyền dạy cồng chiêng, xoang được chính quyền các cấp hết sức chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã tổ chức 20 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang ở các làng đồng bào DTTS. Tất cả các thôn đồng bào DTTS tại chỗ đều có đội nghệ nhân chiêng – xoang có thể tham gia biểu diễn các hoạt động văn hoá văn nghệ của cộng đồng, thôn, xã tổ chức. Tính đến tháng 3/2024, huyện cũng đã hỗ trợ, trang bị 69 bộ cồng chiêng (gồm 25 bộ của cá nhân, 44 bộ của tập thể) cho các thôn.

Bên cạnh đó, các hội thi, liên hoan, trưng bày được tổ chức định kỳ, thường xuyên như: Hội thi trình diễn cồng chiêng và múa xoang; Hội thi trình diễn tái hiện lễ hội truyền thống và diễn xướng dân ca các dân tộc; Hội thi chế tác tượng gỗ dân gian và nhạc cụ truyền thống; trình diễn chế biến ẩm thực truyền thống. Ngoài ra, huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống, giàu bản sắc, lành mạnh, phong phú và đa dạng; lồng ghép tiết mục cồng chiêng vào các hội nghị, sự kiện có chương trình văn nghệ; tổ chức trưng bày hiện vật văn hóa, sản vật truyền thống.

Phối hợp tổ chức lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang cho người Gié Triêng tại xã Đăk Dục. Ảnh: NB

 

Ngoài ra, UBND huyện cũng chỉ đạo khuyến khích phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Đến nay đã có 5 tổ dệt trang phục truyền thống ở 5 thôn: Đăk Mế (xã Pờ Y), Nông Nội (xã Đăk Nông), Dục Nhầy I, Đăk Răng, Đăk Si (xã Đăk Dục). Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 100 người biết làm nghề dệt thổ cẩm, 745 người biết làm nghề truyền thống khác. Không những thế, công tác tái hiện, phục dựng, tái hiện các lễ hội đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào DTTS  như lễ hội mừng lúa mới; lễ hội mừng năm mới; lễ hội tỉa lúa; lễ ăn than được các địa phương thực hiện thường xuyên, liên tục.

Theo ông Bùi Viết Sỹ - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ngọc Hồi, nhìn chung, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, văn học, nghệ thuật dân gian nói riêng trên địa bàn huyện có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp chính quyền. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục phát huy các chương trình đang thực hiện, huyện Ngọc Hồi sẽ có giải pháp cho từng giai đoạn để dần khôi phục và phát huy các hoạt động văn học, nghệ thuật dân gian; tiếp tục tổ chức khảo sát, kiểm kê, sưu tầm các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trên địa bàn toàn huyện; lưu giữ, bảo quản dưới dạng băng hình, ảnh kỹ thuật số về lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp liên quan đến cưới xin, ma chay, các loại hình dân ca, dân vũ, truyện cổ của các dân tộc.     

Nguyễn Ban

Chuyên mục khác