Không gian văn hóa dân tộc Ba Na trong lớp học

12/12/2022 13:16

Để học sinh hiểu, giữ gìn những giá trị văn hóa qua trang phục, dụng cụ sinh hoạt truyền thống, giáo viên ở Trường Mầm non Vàng Anh (xã Kroong, thành phố Kon Tum) đã xây dựng mô hình “Góc địa phương” của dân tộc Ba Na trong các lớp học.

Trường Mầm non Vàng Anh có 204/329 học sinh người dân tộc Ba Na, tập trung ở 2 điểm trường Kroong Klah và Kroong Ktu. Vì vậy, từ khi bắt đầu thành lập điểm trường, nhà trường đã có ý tưởng mang không gian văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na vào từng lớp và khuôn viên trường học.

Không gian văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na tại Trường Mầm non Vàng Anh. Ảnh: NS

 

Theo cô Nguyễn Thị Yến- Phó Hiệu trưởng nhà trường, điểm cốt lõi của ý tưởng này là tái hiện một cách chân thực và sinh động bản sắc văn hóa cũng như cuộc sống thường ngày của đồng bào Ba Na. Thông qua đó, nhà trường mong muốn tạo ra không gian học mới mẻ và thú vị và quan trọng là để giáo dục cho học sinh biết và giữ gìn những giá trị truyền thống của dân tộc.

Trong từng lớp và khuôn viên trường học được bố trí góc riêng để trang trí các vật dụng sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, nhạc cụ truyền thống, như chiêng, gùi, rổ rá, bầu nước. Ngoài việc dạy kỹ năng, giáo viên còn hướng dẫn trẻ khám phá không gian văn hóa và trải nghiệm các trò chơi dân gian của dân tộc Ba Na tại địa phương.

Bên cạnh đó, thông qua những câu chuyện văn hóa mà già làng kể, giáo viên biên tập lại để tuyên truyền và giáo dục cho học sinh. Từ đó, giúp các em biết về ý nghĩa của đồ vật truyền thống và thấy yêu hơn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

 
Hướng dẫn trẻ làm quen với các vật dụng, nhạc cụ truyền thống. Ảnh: NS

 

Cũng theo cô Yến, toàn bộ hiện vật và dụng cụ trang trí ở “Góc địa phương” đều do chính tay các giáo viên kết hợp cùng phụ huynh học sinh thiết kế, thực hiện.

“Thật may mắn là phụ huynh của các em học sinh nơi đây ai cũng nhiệt tình hưởng ứng, góp tre, gỗ cùng nhà trường hoàn thiện các sản phẩm. Thông qua những hoạt động này đã góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó giữa phụ huynh với nhà trường”- cô Yến nói.

Không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, nhà trường xây dựng “Góc địa phương” còn có ý nghĩa quan trọng giúp tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Mỗi dụng cụ, hiện vật đều được ghi chú bằng tiếng Việt. Vì vậy, trẻ có thể tìm những chữ cái đã học thông qua các ghi chú trên hiện vật được trưng bày.

Mỗi dụng cụ, hiện vật đều được ghi chú bằng tiếng Việt. Ảnh: NS

 

Ngoài ra, ở “Góc địa phương” còn tích hợp được nhiều môn học khác nhau, tạo môi trường để trẻ làm quen với trang phục truyền thống, dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của dân tộc mình. Từ đó, kích thích hứng thú học tập, khả năng tìm tòi và khám phá môi trường xung quanh của trẻ.

Là cô giáo người dân tộc Ba Na, gắn bó với điểm trường thôn Kroong Klah hơn 3 năm qua, cô Y Phượng cũng cho rằng, xây dựng không gian văn hóa dân tộc Ba Na mang lại hiệu quả thiết thực cho học sinh. Qua đó, không chỉ giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tăng cường thêm Tiếng Việt mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác.    

Nay Săt

Chuyên mục khác