Giữ nghề đan lát ở Kon Jơ Dri

13/12/2022 06:04

Khi chúng tôi đến, ông A Mơ đang cặm cụi, tỉ mỉ, cố gắng hoàn thành đơn hàng với 5 chiếc gùi bằng mây tre để giao cho khách du lịch đến từ tỉnh Quảng Ngãi. Người đàn ông 82 tuổi ấy là một trong số ít người còn giữ được nghề đan lát ở làng Kon Jơ Dri, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum.

Nhớ về những ngày đầu làm quen với đan lát, ông A Mơ kể, thời đó, ban ngày bà con thường đi làm rẫy, ban đêm tập trung lại ở nhà rông của làng để trò chuyện, thăm hỏi, trao đổi cách làm ăn. Thấy nhiều người lớn tuổi ngồi đan lát, ông thích thú và học theo. Trong làng, người xưa quan niệm đàn ông, con trai phải biết đan lát, phụ nữ phải biết dệt thổ cẩm. Đan lát là một trong những tiêu chí để đánh giá một người đàn ông và khiến các cô gái để ý tới.

Nguyên liệu để đan lát là tre nứa, lồ ô, dây mây. Tre nứa được đem về nhà và chẻ ra, vót thành những nan tre đều, đẹp và có độ dẻo dai để đan. Mỗi sản phẩm khác nhau yêu cầu nan phải có độ dài ngắn, dày, mỏng, to nhỏ khác nhau. Do đó, phải tính toán kỹ để sử dụng tre, nứa hiệu quả nhất, không bị lãng phí nguyên liệu.

Ông A Mơ cho biết: Hiện nay, nguyên liệu rất hiếm, khó tìm nhất là dây mây. Nó thường có ở những vùng xa, rừng rậm, đồi núi cao chứ ở gần làng hầu như không còn nữa.

Ông A Mơ hoàn thiện chiếc gùi. Ảnh: P.N

 

Mỗi sản phẩm có một cách đan khác nhau, nhưng đan gùi là khó nhất. “Để đan 1 cái gùi, phải đan đáy gùi trước, rồi mới uốn cong phần đáy để lên thân gùi. Việc bo vành cho sản phẩm cũng rất quan trọng, phải cố định thật kỹ vành, sau đó dùng dây mây siết chặt và tạo hình dáng cho chiếc vành gùi tròn đều để gùi đẹp, chắc chắn và sử dụng được bền hơn” - ông A Mơ chia sẻ kinh nghiệm.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tiến độ đô thị hóa nhanh tại thành phố Kon Tum, nghề đan lát của người DTTS đã dần mất đi vị trí như trước kia, số lượng người biết đan lát cũng giảm dần. “Hiện nay, ở làng Kon Jơ Dri, con trai hầu như không ai theo nghề đan lát, một số người được dạy đan nhưng cũng không theo nghề. Ngay cả con trai của tôi cũng vậy, một phần vì thu nhập quá thấp” - ông A Mơ tâm sự.

Làng Kon Jơ Dri được xã Đăk Rơ Wa lựa chọn xây dựng làng Du lịch cộng đồng. Bên cạnh đầu tư các điều kiện cần thiết, xã Đăk Rơ Wa đã tích cực vận động người dân xây dựng homestay, giữ gìn nghề truyền thống của người địa phương như dệt thổ cẩm, đan lát để phục vụ nhu cầu khách du lịch. Bà Y Khiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết: “Ông A Mơ là một người có tay nghề rất cao, biết làm rất nhiều vật dụng từ đan lát. Ngôi nhà của ông lại nằm trên đường vào nhà rông của làng, nên chúng tôi lựa chọn làm điểm giới thiệu du khách đến tham quan, trải nghiệm nghề đan lát và giới thiệu bán các sản phẩm đan lát của người dân, giúp duy trì nghề truyền thống và tạo thêm thu nhập cho người dân”.

Đó không chỉ là niềm vui đối với người say mê đan lát như ông A Mơ, mà còn mở hướng cho việc giữ gìn nghề truyền thống của làng Kon Jơ Dri.       

Phan Nghĩa

Chuyên mục khác