Nâng cao nhận thức, trách nhiệm gìn giữ văn hóa các dân tộc

19/04/2023 06:48

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển bền vững đất nước. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khơi dậy niềm tự hào trong giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của các dân tộc là vấn đề luôn được các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương quan tâm, chú trọng thực hiện.

Nước ta có 54 dân tộc, mỗi dân tộc đều có những nét đặc sắc trong văn hóa, tạo nên sự đang dạng, khác biệt và độc đáo... Nhằm tôn vinh giá trị và nâng cao nhận thức về bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg (ngày 17/11/2008), lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Đây chính là dịp để các cấp, các ngành cùng dịp nhìn nhận lại vai trò của văn hóa đối với sự phát triển, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm, niềm tự hào đối với truyền thống văn hoá của mỗi dân tộc. Tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng các dân tộc giao lưu, trao đổi, hòa hợp cùng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, qua đó, góp phần củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Quan tâm gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Ảnh: T.H 

 

Tại tỉnh ta, có 43 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ có lịch sử cư trú lâu đời. Văn hóa các dân tộc rất đa dạng, từ ẩm thực, trang phục, nếp nhà, cách thức sản xuất đến ca hát, hội hè, thờ cúng, cưới xin... Sự đa dạng ấy đã tạo nên một Kon Tum với văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc.

Hiểu rõ tầm quan trọng của văn hóa nói chung, văn hóa truyền thống các DTTS nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh tích cực chỉ đạo, có các hoạt động cụ thể nhằm bảo tồn sự đa dạng, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS.

Theo đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, giá trị của di sản văn hóa truyền thống các DTTS được các cấp, ngành trong tỉnh đặt lên hàng đầu. Các hoạt động trao truyền về văn hóa truyền thống được chú trọng tổ chức, đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tích cực đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong trường học. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và khơi dậy tình yêu, lan tỏa lòng tự hào trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa được tỉnh và các địa phương quan tâm, đặc biệt là thiết chế nhà rông truyền thống nhằm phục vụ tốt cho các hoạt động văn hóa tại cơ sở, góp phần tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn và phát huy. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 200 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê và đang còn duy trì trong các thôn, làng. Trong đó, các di sản như: Sử thi của dân tộc Ba Na, Rơ Ngao, lễ Et Đông của dân tộc Ba Na (nhóm Jơ Lâng) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 33 lễ hội dân gian tiêu biểu điển hình của các DTTS cũng đã được ngành Văn hóa phối hợp với các địa phương phục dựng. Toàn tỉnh lưu giữ được khoảng 2.500 bộ cồng chiêng, hầu hết các làng đều có cồng chiêng và đội nghệ nhân cồng chiêng, xoang.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức thường xuyên, triển khai đồng bộ ở các cấp, tăng về quy mô tổ chức, đổi mới về nội dung, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của từng địa phương, trong đó, ưu tiên trình diễn các loại hình văn hóa truyền thống. Những hoạt động như “Ngày hội Văn hóa - Thể thao các DTTS”, “Tuần Văn hóa - Du lịch” và “Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS”, “Diễn xướng dân gian các DTTS” được duy trì và  tổ chức thường xuyên và trở thành những ngày hội của đồng bào các DTTS. Qua đó, tạo không khí phấn khởi, thắt chặt thêm tình đoàn kết trong mỗi cộng đồng và giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm, tạo điều kiện để các ngành, địa phương tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa ở trong và ngoài nước, qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, bản sắc văn hóa, con người tỉnh Kon Tum nói riêng đến với bạn bè trong và ngoài nước.

Với đa dạng giải pháp, bằng những việc làm thiết thực, nhiều loại hình văn hóa truyền thống được duy trì, củng cố và phát huy, đang từng bước trở thành sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS ít nhiều sẽ bị những ảnh hưởng. Điều này, đòi hỏi công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS phải được quan tâm đầu tư, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện, cùng với việc tăng cường định hướng, tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS tự giác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Thực tiễn cho thấy, ở đâu cấp ủy đảng, chính quyền có sự quan tâm chỉ đạo, sát sao đến công tác bảo tồn văn hóa thì ở đó bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS được giữ gìn và phát huy có hiệu quả.

Trong hành trình gìn giữ và phát triển văn hóa các dân tộc có nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương và mỗi người dân, chắc chắn sẽ phát huy được những yếu tố tích cực, khắc phục được những yếu tố tiêu cực, biến khó khăn thành thuận lợi nâng cao hiệu quả bảo tồn, khai thác tốt giá trị văn hóa các dân tộc.

Thiên Hương

Chuyên mục khác