Thị trường bánh kẹo tết: Khẳng định chỗ đứng của hàng Việt

05/01/2017 14:07

Không khí tết đã về trên các sạp hàng, kệ hàng với đa dạng các loại bánh kẹo, mứt tết. Chiếm lĩnh thị trường tết năm nay là các loại hàng hoá được sản xuất ở trong nước...

Bánh kẹo có thương hiệu chiếm lĩnh thị trường

Thị trường tết đã bắt đầu sôi động. Tại các cửa hàng, đại lý, lượng khách hàng ra vào mua sắm đang tấp nập lên từng ngày. Những mặt hàng như: bia, nước ngọt, bánh kẹo, mứt tết… có sức tiêu thụ mạnh. Điều dễ nhận thấy là đa phần hàng hóa phục vụ thị trường tết là từ nguồn cung của các doanh nghiệp trong nước. Hàng hóa nhập từ nước ngoài chiếm tỷ lệ rất ít nếu không nói là lép vế so với hàng trong nước.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, thị trường tiêu dùng năm nay có phần khắt khe và kén chọn hơn mọi năm bởi phần lớn người tiêu dùng đều dành sự quan tâm và ưu tiên lựa chọn những mặt hàng có thương hiệu, chất lượng. Những loại hàng hoá không nhãn mác, không xuất xứ, hàng bao gói sẵn rất ít được lựa chọn.

“Trước đây, tôi chỉ hay chú ý đến mặt giá cả, mua cái gì cũng tính sao cho rẻ và nhiều. Sau này, tôi mới biết, rất nhiều loại bánh kẹo rẻ tiền là hàng Trung Quốc nhập lậu, hàng do những cơ sở sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn, nguyên liệu trôi nổi, từ đó, tôi chia tay hẳn với các loại bánh kẹo này”- một người tiêu dùng ở thành phố Kon Tum cho biết.

So với những năm trước, các sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước đã có sự thay đổi vượt bậc cả về chất lượng, chủng loại và mẫu mã. Những năm gần đây, hàng hoá của những nhà sản xuất có tên tuổi như bánh kẹo Kinh Đô, Hữu Nghị, Hải Hà, Bibica, Vina cafe, rượu bia Hà Nội… đã được người tiêu dùng chọn mua nhiều. Giá cả các mặt hàng cũng rất đa dạng, hợp với túi tiền của đông đảo người dân; trung bình dao động ở mức từ 40.000 - 100.000 đồng/kg.

Có thể thấy, với chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh, hàng tiêu dùng trong nước ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường. Đây cũng là tín hiệu vui cho hàng Việt sau nhiều năm nỗ lực cạnh tranh với hàng ngoại, nhất là các loại hàng ngoại giá rẻ.

Bánh mứt truyền thống lấy lại vị thế

Những năm trở lại đây, xu hướng sử dụng các loại bánh mứt truyền thống trong dịp tết của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh ngày càng gia tăng, phần vì nhiều người muốn lưu giữ hương vị tết cổ truyền, phần vì lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các loại bánh mứt truyền thống ngày càng được nhiều người lựa chọn. Ảnh: T.H

 

Tiêu chí mà mọi người cùng hướng đến là chất lượng, an toàn, tránh xa những loại hoá chất và giữ nguyên được hương vị truyền thống. Có người chọn cách tự làm; có người đặt mua tại những chỗ thân quen, uy tín, song xu thế chung là tìm mua tại những chỗ có quen biết…

Bà Nguyễn Thị Nhân (tổ 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Các loại bánh mứt do mình tự làm tuy không cầu kỳ, không bắt mắt bằng các loại bánh mứt được bao gói sẵn, nhưng điều quan trọng là nguyên liệu thật, chất lượng thật và không hề có bất kỳ một loại hoá chất, phẩm màu nào. Mặt khác, giá cả các loại bánh mứt mình tự làm cũng rất phải chăng do mình chỉ lấy công làm lời, ví dụ mứt dừa chỉ khoảng 120.000 đồng/kg, mứt gừng chỉ từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, mứt cà rốt cũng chỉ 70.000 – 80.000 đồng/kg. Họ mua rải rác và đặt làm từ đầu tháng 11 âm lịch, nhưng tôi không dám nhận nhiều vì làm thủ công nên không thể làm nhiều được

Bên cạnh các loại mứt, các loại bánh, kẹo truyền thống như bánh tổ, bánh in, bánh thuẩn, kẹo lạc... cũng được rất nhiều người tìm mua trong dịp tết. Càng gần đến Tết Nguyên đán, thị trường bánh mứt truyền thống càng sôi động, sức mua tăng cao hơn.

Việc người tiêu dùng dành sự ưu ái, tin tưởng lựa chọn hàng Việt cho thấy sự thay đổi trong quan niệm tiêu dùng của người dân. Sự chuyển biến này một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được các cấp, các ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện thời gian qua.

Thiên Hương

Chuyên mục khác